Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc sẽ đạt trên 50%

12:31' - 08/11/2019
BNEWS Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt từ 50-52% với ít nhất 3 đô thị đạt chuẩn đô thị quốc tế.
Diễn đàn "Ngày đô thị với quá trình đô thị hóa ở Việt Nam". Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nhân ngày đô thị Việt Nam 8/11, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) - cơ quan thường trực của Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) tổ chức tọa đàm “Ngày đô thị với quá trình đô thị hóa ở Việt Nam”.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả trong nước và quốc tế, nhà hoạch định chính sách… để cùng chia sẻ, đúc rút kinh nghiệm; đồng thời, đưa ra những dự báo về tương lai đô thị hóa tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chia sẻ, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 8 tháng 11 hàng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam” để khẳng định, tôn vinh vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Các chuyên gia ghi nhận, hiện hệ thống đô thị nước ra đã có những phát triển vượt bậc với tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% năm 1999 lên 38,4% vào năm 2018. Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt từ 12-15%, cao hơn từ 2-2,5 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước…

Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 cũng đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt từ 50-52% và có ít nhất 3 đô thị đạt chuẩn đô thị quốc tế gồm Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) cho biết, hiện các đô thị đang chia thành 8 cụm sinh hoạt mang đặc trưng của vùng miền. Thời gian qua, hoạt động trao đổi giữa các đô thị đã tạo sự gắn kết, chia sẻ bài học hữu ích mà đô thị nào cũng phải giải quyết trong cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Sự hợp tác giữa các đô thị đã giúp nâng cao năng lực ở cả khâu hoạch định và triển khai cho phù hợp với thực tiễn, tạo sự liên kết trong khu vực.

Đóng góp ý kiến về Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ xấu cũng như bàn về giải pháp cân bằng để các đô thị phát triển bền vững.

Theo đại biểu đến từ ADB, Việt Nam có 3 chiến lược trọng tâm cần giải quyết gồm: tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của các hệ thống đô thị; bảo vệ môi trường đô thị, xây dựng năng lực thích ứng và phát triển hạ tầng tích hợp; nâng cao chất lượng và tính bao trùm trong phát triển đô thị.

Muốn vậy, các chiến lược thực hiện cũng cần cụ thể rõ như: xây dựng chương trình và quy hoạch đô thị hợp tác; khuyến khích huy động nguồn lực đô thị sáng tạo, đổi mới; bồi dưỡng năng lực và nâng cao hiệu quả quản trị đô thị cả về cơ chế, điều hành cũng như thực thi pháp luật.

Hiện quá trình đô thị hóa xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: hệ thống đô thị phát triển chưa hài hòa, thiếu đồng bộ giữa số lượng, quy mô diện tích và chất lượng; chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn.

Diện tích đô thị mở rộng nhanh kéo theo tình trạng sử dụng đất chưa hiệu quả; năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế. Nguồn lực cho phát triển đô thị còn thiếu, năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa...

Nguyên nhân chủ yếu là do việc chưa đồng bộ công cụ quản lý phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư. Chính sách và công cụ quản lý đất đô thị chưa phù hợp cơ chế thị trường, chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực từ đất đai…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, để giải quyết bất cập, chính quyền các tỉnh, thành phố, đô thị cần rà soát khâu quy hoạch, kế hoạch thực hiện, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Cùng đó, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cho hệ thống đô thị và chương trình phát triển cho từng đô thị trực thuộc. Đồng thời, đánh giá việc quản lý dự án và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, dự án đầu tư không hiệu quả, chậm tiến độ.

Ngoài ra, chủ đầu tư tham gia các dự án phát triển, tôn tạo đô thị phải tăng cường năng lực, sức cạnh tranh và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật.

Hiệp hội các đô thị Việt Nam cũng cần có chương trình, kế hoạch phổ biến kiến thức cho người dân để thu hút họ tham gia vào quá trình quy hoạch, phát triển đô thị nơi mình sống; tổ chức nhiều hoạt động mang tính thực tiễn cao, giải quyết được vấn đề bức xúc hiện tại của đô thị…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục