Tuyên án vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á

19:40' - 20/12/2018
BNEWS Ngày 20/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 26 bị cáo có liên quan trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á.

Xét xử sơ thẩm từ ngày 27/11 vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB), ngày 20/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 26 bị cáo.
* Trần Phương Bình lĩnh án chung thân, Vũ “nhôm” lĩnh 17 năm tù

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe Tòa tuyên án. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Hội đồng xét xử nhận định, trên cương vị Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, bị cáo Trần Phương Bình đã đề tra chủ trương, trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở), Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở), Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có) tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền tại DAB cùng một số người thân quen, công ty “sân sau” của Bình, Xuyến thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền gần 3.600 tỷ đồng.

Trong đó, Trần Phương Bình trực tiếp chiếm đoạt, sử dụng cá nhân hơn 2.008 tỷ đồng; chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai hơn 1.560 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm khắc mới tương xứng với hành vi phạm tội.

Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt là mức án chung thân.

Đồng thời, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo số tiền 100 triệu đồng, cấm bị cáo giữ các chức vụ liên quan đến hoạt động tín dụng trong 5 năm.
Giúp sức tích cực cho Trần Phương Bình trong các hành vi phạm tội, nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB Trần Thị Kim Xuyến còn trực tiếp chiếm hưởng 40 tỷ đồng.

Trần Thị Kim Xuyến cũng thực hiện che giấu âm quỹ theo chỉ đạo của Bình, tham gia chỉ đạo và thực hiện xuất quỹ vàng, kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài, chi tiền sai nguyên tắc để mua trụ sở cho DAB Chi nhánh Nam Định, gây thiệt cho DAB 1.088 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Thị Kim Xuyến 30 năm tù cho cả hai tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; phạt bị cáo 80 triệu đồng và cấm giữ các chức vụ liên quan đến hoạt động tín dụng trong 5 năm.
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) tham gia hoạt động góp vốn mua cổ phần DAB đã đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỷ đồng.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Vũ dù không nhận tội và tố cáo Kiểm sát viên trong quá trình điều tra có hành vi lăng mạ bị cáo, tuy nhiên xét các chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác thì nhận thấy là không có căn cứ; truy tố của Viện Kiểm sát là đúng người, đúng tội. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng ghi nhận việc bị cáo Vũ đã nộp lại số tiền 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", tổng hợp với bản án 8 năm tù của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là 25 năm tù giam; phạt bị cáo 100 triệu đồng.
Các bị cáo có hành vi giúp sức tích cực cho Trần Phương Bình như Nguyễn Đức Vinh bị tuyên phạt 16 năm tù, Phạm Văn Phước 13 năm tù, Nguyễn Đức Tài 13 năm tù. Đối với các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ, nhân viên DAB, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo là cấp dưới nghe theo chỉ đạo của cấp trên, có cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả.

Ngoài ra dù DAB bị thanh tra nhiều lần nhưng không phát hiện sai phạm đã phần nào khiến các bị cáo có niềm tin, không nhận thức đúng về hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử tuyên phạt 20 bị cáo còn lại mức án từ thấp nhất là 2 năm tù treo (thử thách 4 năm) đến cao nhất là 10 năm tù giam.
* Trần Phương Bình, Vũ “nhôm” có dấu hiệu phạm thêm tội

Bị cáo Trần Phương Bình nghe Tòa tuyên án. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Trần Phương Bình bồi thường cho DAB số tiền tương đương 27.016 lượng vàng và hơn 1.900 tỷ đồng; buộc Bình liên đới với Phan Văn Anh Vũ bồi thường cho DAB hơn 52 tỷ đồng tiền lãi.

Tuyên buộc bị cáo Nguyễn Hồng Ánh liên đới bồi thường cho DAB 50% số tiền tương đương 1.200 lượng vàng; buộc Nguyễn Thị Kim Xuyến bồi thường cho DAB hơn 34,2 tỷ đồng; buộc Phạm Văn Phước bồi thường cho DAB hơn 11,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc Trần Phương Bình phải chịu hơn 5 tỷ đồng, Phan Văn Anh Vũ phải chịu hơn 300 triệu án phí dân sự sơ thẩm.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến có nghĩa vụ bồi hoàn số tiền và vàng liên quan đến các hành vi phạm tội trong vụ án.

Trong đó, Bình, Xuyến và 4 bị cáo khác liên đới bồi hoàn cho DAB hơn 500 tỷ đồng và 650 lượng vàng; Bình và 3 bị cáo khác liên đới bồi hoàn cho DAB hơn 131,5 tỷ đồng và số tiền tương đương với hơn 28.500 lượng vàng; Bình, Xuyến và 4 bị cáo khác liên đới bồi hoàn số tiền tương đương hơn 15.700 lượng vàng.
Đối với số tiền 13,4 triệu USD Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB rồi cho Vũ vay, Hội đồng xét xử xác định đây là vật chứng của vụ án nên thu hồi. Hội đồng xét xử buộc Phan Văn Anh Vũ nộp lại hơn 90,5 tỷ đồng và 13,4 triệu USD.

Đáng chú ý, Hội đồng xét xử xét thấy việc chuyển số tiền này giữa Bình và Vũ có dấu hiệu của một tội phạm khác nên kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ, nếu có căn cứ hình sự sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Hội đồng xét xử cũng tiếp tục kê biên 50 triệu cổ phần DAB đứng tên Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và 13,6 triệu cổ phần DAB đứng tên Phan Văn Anh Vũ; 15 triệu cổ phần DAB của Trần Phương Bình; 9,6 triệu cổ phần DAB đứng tên bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ, vợ của Trần Phương Bình) và một số cổ phần DAB đứng tên nhiều người thân của bị cáo Trần Phương Bình và nhiều người khác.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ nhiều tình tiết từ lời khai của Trần Phương Bình tại phiên tòa trong giai đoạn 2 của vụ án; kiến nghị điều tra làm rõ hành vi của bà Võ Thị Kim Anh (nguyên Trưởng phòng Kế toán tại Hội sở DAB) có dấu hiệu về tội “Thiếu trách nhiệm gây hâu quả nghiêm trọng”; điều tra ông Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DAB chi nhánh Nam Định) có dấu hiệu đồng phạm với Phạm Văn Phước về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; kiến nghị điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan của Ngân hàng Nhà nước trong việc nhiều lần chấp nhận cho DAB tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng (năm 2007) lên 5.000 tỷ đồng (năm 2014) mà không phát hiện thủ đoạn của Trần Phương Bình và đồng phạm; trách nhiệm của các cá nhân của Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh khi đã 13 lần thanh tra, kiểm tra mà không phát hiện ra hành vi phạm tội của các bị cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục