Tuần lễ giới thiệu cam, quýt đặc sản sẽ diễn ra từ 19/12 tại Hà Nội

17:50' - 10/12/2018
BNEWS Với quy mô 200 gian hàng, hội chợ nhằm tạo cơ hội giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, khảo sát nhu cầu thị trường.
Hà Giang có trên 8.700 ha trồng cam sành cho sản lượng khoảng 40.000 tấn mỗi năm. Ảnh minh họa: Công Mạo-TTXVN

Chiều 10/12, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo Hội chợ “Nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn năm 2018”.

Với quy mô 200 gian hàng, hội chợ nhằm tạo cơ hội giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, khảo sát nhu cầu thị trường. Từ đó giúp các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm nông đặc sản địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại, giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, khuyến kích các địa phương đầu tư, hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông đặc sản có lợi thế và đặc thù của mình, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giữ gìn tinh hoa nông sản Việt.

Theo ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, Hà Giang có trên 8.700 ha trồng cam sành cho sản lượng khoảng 40.000 tấn mỗi năm. Năm nay, diện tích cam sành không tăng nhưng nhờ vào việc thâm canh tốt nên sản lượng có thể đạt 62.000 tấn.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 cơ sở chế biến cam; trong đó Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Dược Bảo Châu có công suất lớn nhất là 10.000 tấn/năm.

Cam sành Hà Giang có đặc điểm thời vụ ngắn, nhanh hỏng, đòi hỏi chế biến nhanh sau thu hoạch. Do đó, Hà Giang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thu mua, chế biến, bảo quản cam sành.

Là tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc dài, thị trường này cũng rất ưa chuộng cam Hà Giang, ông Nguyễn Khắc Quyền cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm có thể xuất khẩu cam Hà Giang sang Trung Quốc.

Bắc Kạn cũng là tỉnh miền núi có nhiều sản phẩm nông sản đặc sản như cam, quýt, hồng không hạt, miến dong, gạo Bao Thai... Tỉnh có trên 2.800 ha cam, quýt; trong đó diện tích cho thu hoạch 2.100 ha. Với sản lượng khoảng 17.000 tấn mỗi năm, quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP” giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã đánh giá, xếp loại 45 sản phẩm OCOP.

Tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động tích cực giúp cho các sản phẩm nông nghiệp được khẳng định thương hiệu, tìm chỗ đứng trên thị trường như quảng bá sản phẩm, mạnh dạn tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm…

"Qua Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội, Bắc Kạn mong muốn được tiếp cận với người tiêu dùng Hà Nội, đồng thời tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh nông sản của tỉnh gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm", ông Nguyễn Ngọc Cương kỳ vọng.

Hội chợ “Nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn năm 2018” sẽ diễn ra từ ngày 19/12 đến 25/12 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội./.

>>> Khuyến cáo nông dân Trà Vinh không nên ồ ạt bỏ lúa để trồng cam

Tin liên quan

  • Giá cam sành ở Trà Vinh tăng mạnh Hàng hoá

    Giá cam sành ở Trà Vinh tăng mạnh

    14:18' - 01/04/2018

    Theo nhà vườn, giá cam cao do hiện nay các vườn cam trong tỉnh đã kết thúc vụ chính nên sản lượng không còn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ cam làm nước giải khát mùa nắng của người dân tăng lên.

  • Giá cam sành giảm mạnh Kinh tế & Xã hội

    Giá cam sành giảm mạnh

    15:04' - 26/06/2017

    Nhiều tháng nay, người trồng cam sành trên địa bàn tỉnh Trà Vinh rất lo lắng vì giá cam sành liên tục giảm và rất khó tiêu thụ.


Tin cùng chuyên mục