Trung Quốc và Mỹ vẫn bất đồng về vấn đề dư thừa thép tại diễn đàn G20

20:24' - 01/12/2017
BNEWS Mỹ vẫn đang có ý định gây áp lực với Trung Quốc, cả trực tiếp lẫn thông qua các diễn đàn toàn cầu như G20, để cắt giảm thêm công suất và tránh các khoản trợ cấp ảnh hưởng tới thị trường.
Đại diện của các nền kinh tế thành viên G20 tại “Diễn đàn toàn cầu về công suất thép dư thừa” diễn ra tại Berlin, Đức cho hay họ đã nhất trí về việc cần thiết phải xóa bỏ các khoản trợ cấp đang làm ảnh hưởng thị trường, tái cơ cấu ngành, đảm bảo một sân chơi bình bằng và tăng tính minh bạch trong cắt giảm công suất.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề cách biệt, trong đó Bắc Kinh khẳng định đã hoàn thành việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất, còn Washington nói rằng sẽ tiếp tục bảo vệ biên giới của mình khỏi những gì mà họ cho là sản phẩm thép được giao dịch không công bằng.
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang đã lên tiếng cảnh báo rằng trong khi Bắc Kinh nỗ lực hết sức để cắt giảm công suất thì "những nước khác chỉ quan sát”.
Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ 50% sản lượng thép thế giới, đã cắt giảm công suất khoảng 220 triệu tấn thép các loại kể từ tháng 1/2016. Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm 150 triệu tấn thép dư thừa vào năm 2020.
Mỹ, nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, vẫn đang có ý định gây áp lực với Trung Quốc, cả trực tiếp lẫn thông qua các diễn đàn toàn cầu như G20, để cắt giảm thêm công suất và tránh các khoản trợ cấp ảnh hưởng tới thị trường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa áp thuế trừng phạt đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác vào Mỹ, thậm chí Washington còn tiến hành cuộc điều tra “mục 232” hồi tháng Tư về việc liệu thép nhập khẩu có gây nguy hại tới an ninh quốc gia hay không.
Các nhà chỉ trích cho rằng việc sử dụng an ninh quốc gia như là cái cớ để áp thuế thép có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, phá hoại hệ thống thương mại dựa trên luật lệ toàn cầu, làm tổn thương các đồng minh của Mỹ hơn là Trung Quốc và gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục