Trung Quốc và kế hoạch xoá sổ điện than (Phần 1)

05:30' - 14/10/2018
BNEWS Tình trạng ô nhiễm môi trường cấp tính cùng những hệ luỵ là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc hạ quyết tâm làm cân bằng lại cán cân năng lượng, để từ đó dồn trọng tâm vào phát triển năng lượng sạch.
Trung Quốc và kế hoạch xoá sổ điện than. Ảnh: Reuters

Năm 2016, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới, với tổng công suất quang điện lên đến 78 GW. Thậm chí, nước này đã biến các mỏ than không còn sử dụng thành những trang trại năng lượng Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới. 

Theo số liệu thống kê, cứ mỗi 1 USD được Mỹ đưa vào sử dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thì Trung Quốc đã bỏ ra 3 USD. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vượt Mỹ để đầu tư vào phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên tại đây, một số dự án đang tạo ra những lo ngại về gánh nặng trợ cấp ngày càng tăng.
* Không tiếc tiền đầu tư trong nước

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tới 15% mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2016-2020. Quyết tâm này đã được phản ánh qua số tiền mà Bắc Kinh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Đầu năm 2017, Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư 360 tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020, đồng thời công bố kế hoạch “xoá sổ” 85 nhà máy điện than. Đến tháng 3/2017, các nhà chức trách nước này đã thông báo vượt chỉ tiêu chính thức về sự hiệu quả trong sử dụng năng lượng, cường độ xả cacbon và tỷ trọng nguồn năng lượng sạch. 

Cuối năm 2017, Cục quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc tiếp tục tiết lộ các biện pháp mới để giảm sự phụ thuộc vào than đá. 

Báo cáo được công bố bởi ba bên là công ty nghiên cứu Bloomberg New Energy Finance (BNEF), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và trường đại học quản lý tài chính Frankfurt cho thấy trong năm 2017, 50% trong số những khoản đầu tư trị giá 279,8 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo mới của thế giới là đến từ Trung Quốc. 

Trong đó, số tiền mà Bắc Kinh bỏ ra lớn gấp hơn 3 lần so với nền kinh tế từng chiếm vị trí số 1 trong phát triển năng lượng sạch là Mỹ. Trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng Mặt Trời được Bắc Kinh ưu ái hơn cả với 2/3 tổng số tiền đầu tư, tạo ra thêm khoảng 53 GW điện cùng khả năng cung cấp năng lượng cho hơn 38 triệu ngôi nhà. Sau năng lượng Mặt Trời là nguồn năng lượng gió, chiếm khoảng 1/3 số tiền đầu tư của Bắc Kinh.
Quá trình trở thành “trung tâm” chuyển đổi năng lượng toàn cầu của Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi sự thay đổi công nghệ và xu hướng giảm chi phí sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, không chỉ đầu tư vào năng lượng tái tạo và loại bỏ điện than, nhu cầu sử dụng năng lượng của Bắc Kinh so với thế giới đang ngày càng tăng. 

Điều này có nghĩa là khi nền kinh tế châu Á đang hướng tới một kịch bản tăng trưởng dựa vào phát triển dịch vụ và tiêu dùng, thị trường năng lượng trên toàn thế giới cũng sẽ được định hình lại. 

Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm mức độ tiêu thụ năng lượng. Trong giai đoạn 1980-2010, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng gấp 18 lần thì mức độ tiêu thụ năng lượng chỉ tăng 5 lần. 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố khác đang làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu, trong đó có thể kể đến sự gia tăng hiệu quả việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà dân cư, các khu công nghiệp và thương mại, cùng nhu cầu năng lượng thấp hơn trong giao thông vận tải, nhờ sự gia tăng của xe tự hành và các dịch vụ xe chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục