Trung Quốc “nhượng bộ” trả đũa dầu mỏ Mỹ?

05:30' - 18/08/2018
BNEWS Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang nhưng giờ đây người ta không thấy tuyên bố kiểu “chiến đấu tới cùng” xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN phát
Dầu mỏ cũng bất ngờ không còn nằm trong danh sách hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế bổ sung 25% để trả đũa Washington.
Hiện nay, Trung Quốc là nước đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ nhiều nhất, sau Canada. Năm 2017, thống kê cho thấy lượng dầu mỏ mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20% tổng lượng dầu mỏ xuất khẩu của Mỹ và hai năm qua, Trung Quốc tăng cường mua dầu mỏ của Mỹ. 
Nguyên nhân đơn giản xuất phát từ động cơ kinh tế, bởi giá dầu của Mỹ luôn thấp hơn giá dầu của các nơi khác trên thế giới trong hơn một năm qua.
Nhưng thực tế nêu trên khiến dầu mỏ rất dễ trở thành đối tượng Trung Quốc trả đũa trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai bên ngày một leo thang. Theo chuyên gia phân tích cấp cao Suresh Sivanandam thuộc tổ chức tư vấn Wood Mackenzie có trụ sở ở nước Anh, nếu xem xét từ góc độ của Mỹ, Trung Quốc là một thị trường quan trọng.
Nhưng đối với Trung Quốc, dầu mỏ nhập khẩu từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng dầu mỏ mà nước này nhập khẩu.Điều đó có nghĩa nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa nhằm vào dầu mỏ của Mỹ, tổn thất mà Washington phải gánh chịu sẽ lớn hơn Bắc Kinh.
Ngày 8/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá 16 tỷ USD. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ áp thuế bổ sung 25% lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD kể từ ngày 23/8.
Báo Kinh tế ngày 10/8 dẫn lại thông tin được đăng tải trên tờ Wall Street Journal của Mỹ cho hay trong danh sách các mặt hàng Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa Mỹ đưa ra hồi tháng Sáu bao gồm cả dầu mỏ. Nhưng mặt hàng này đã bất ngờ biến mất khỏi danh sách 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc áp thuế bổ sung 25%.
Bộ Thương mại Trung Quốc không giải thích nguyên nhân tại sao dầu mỏ không nằm trong danh sách hàng hóa Mỹ bị áp thuế bổ sung 25%, cũng không trả lời các câu hỏi liên quan. 
Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ cho rằng cách làm của Mỹ là rất vô lý và để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân cũng như bảo vệ thể chế thương mại đa phương, phía Trung Quốc không thể không đưa ra biện pháp trả đũa. Quyết định của Trung Quốc áp thuế bổ sung đối với 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ cũng có hiệu lực từ ngày 23/8.
Theo giới phân tích, việc Trung Quốc không đưa dầu mỏ vào danh sách áp thuế bổ sung trước tiên là nhằm tránh gây rủi ro đối với mối quan hệ trong lĩnh vực dầu mỏ Mỹ - Trung vẫn còn non trẻ, nhưng đã phát triển mạnh mẽ trong hai năm qua (tăng khoảng 200 lần). Bên cạnh đó, với ưu thế về giá bán và chi phí tinh lọc do có chất lượng tốt, nếu Trung Quốc không mua, dầu mỏ Mỹ vẫn dễ dàng tìm được khách hàng mới ở châu Á như Ấn Độ, thậm chí là ngoài châu Á.
Quan trọng nhất, đó là mức độ lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc ngày một cao.Năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.Hiện nay, 70% nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc là dựa vào nhập khẩu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán tới năm 2040, mức độ lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 80%.
Vì thế, nhà phân tích Shane Oliver thuộc AMP Capital Markets cho rằng nếu tăng thuế đánh vào dầu mỏ nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc sẽ tự làm khổ mình. Đó là chưa nói tới việc vào tháng 11 tới, Mỹ sẽ khởi động lại việc trừng phạt Iran còn Trung Quốc dự định tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.
Do đó, theo Giám đốc điều hành Dan Eberhart của công ty dịch vụ khoan thăm dò Canary LLC ở Colorado (Mỹ), nếu Trung Quốc áp thuế bổ sung lên dầu mỏ nhập khẩu từ Mỹ, khả năng Mỹ bỏ qua cho việc Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ từ Iran sẽ rất thấp vì động thái áp thuế bổ sung nhằm vào dầu mỏ Mỹ sẽ chỉ khiến Mỹ tức giận hơn đối với Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục