Trung Quốc không kỳ vọng về đàm phán thương mại với Mỹ

10:47' - 10/10/2019
BNEWS Bắc Kinh đã hạ thấp kỳ vọng về khả năng đạt tiến triển đáng kể trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong tuần này
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh ngày 14/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Bất ngờ và thất vọng trước việc Mỹ liệt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen, Bắc Kinh đã hạ thấp kỳ vọng về khả năng đạt tiến triển đáng kể trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong tuần này, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/10 bày tỏ sự lạc quan.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lightizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tiến hành đàm phán tại Washington trong hai ngày 10-11/10 (theo giờ Mỹ), trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài 15 tháng, vốn đang làm giảm tốc tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và đe dọa làm đảo lộn các hệ thống thương mại đã tồn tại nhiều thập kỷ.

Phát biểu với báo giới tại Washington, Tổng thống Trump nói rằng hai nước đang đứng trước cơ hội rất tốt để đạt một thỏa thuận và cho rằng Trung Quốc còn mong muốn điều này hơn Mỹ. Nhưng nếu đàm phán không đạt tiến triển đáng kể, ông Trump sẽ sẵn sàng tăng thuế đối với số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 15/10 tới.

Một quan chức Trung Quốc giấu tên nói về công tác chuẩn bị cho cuộc đàm phán cho biết, với tình hình hiện nay, cuộc đàm phán trong tuần này có thể kết thúc trong bế tắc. Về khả năng đạt thỏa thuận, quan chức này cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nhiều công tác chuẩn bị và sự đồng thuận của cả hai phía.

Trong khi các cuộc đàm phán cấp thấp hơn giữa các quan chức hai nước diễn ra trong hai ngày 8-9/10 nhằm tạo bầu không khí tích cực cho cuộc đàm phán cấp cao sắp tới, việc Mỹ liệt 28 cơ quan và các công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" đã gây ra tác dụng ngược lại.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 7/10 đã ra sắc lệnh cấm các công ty công nghệ và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có quan hệ làm ăn với các công ty Mỹ. Trung Quốc cho rằng đây là hành động can thiệp vào chủ quyền của nước này.

Trong khi đó, cuộc đàm phán cấp thứ trưởng trong hai ngày 8-9/10 cũng không đạt tiến triển, khi Trung Quốc từ chối bàn về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc và cũng né tránh vấn đề hỗ trợ của nhà nước.

Hai nước hiện vẫn bất đồng về các yêu cầu của Mỹ, theo đó Washington yêu cầu Bắc Kinh tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt các cuộc tấn công mạng và chuyển giao công nghệ bắt buộc, hạn chế hỗ trợ cho ngành công nghiệp và mở cửa thị trường hơn nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục