Trung Quốc khan hiếm thịt lợn, cơ hội của các nhà xuất khẩu thế giới

20:56' - 08/11/2019
BNEWS Theo giới quan sát, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thịt từ thị trường thế giới để thay thế nguồn cung trong nước do hàng triệu con lợn bị chết bởi Dịch tả lợn châu Phi (ASF).
 Lợn nuôi tại một trang trại ở Quebec, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính điều này đã khiến giá thịt lợn tăng vọt, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và lợi nhuận cho các nhà sản xuất thịt ở châu Âu và Nam Mỹ, đồng thời tái định hình thị trường thịt toàn cầu.
Nguồn cung sụt mạnh vì dịch tả lợn châu Phi
Công ty dịch vụ tài chính Rabobank mới đây đã ước tính rằng đàn lợn của Trung Quốc, vốn thuộc hàng lớn nhất thế giới, đã giảm một nửa trong giai đoạn từ tháng 1-8/2019 và có khả năng giảm tới 55% tính đến cuối năm nay, gây ra tình trạng ngày càng khan hiếm hàng.
Sự thiếu hụt nguồn cung cho thị trường tiêu thụ thịt lợn hàng đầu thế giới càng trở nên trầm trọng hơn bởi dịp Tết Nguyên đán sắp diễn ra vào cuối tháng 1/2020, thời điểm mà các món sử dụng thịt lợn như sủi cảo, màn thầu và bánh bao đóng vai trò cực kỳ quan trọng tại Trung Quốc.
Theo số liệu ước tính của Rabobank, lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ vượt qua mức kỷ lục trước đó, tăng từ 2,1 triệu tấn hồi năm 2018 lên khoảng 3,1 - 3,3 triệu tấn, bao gồm cả nội tạng.
Sang năm 2020, Rabobank dự báo Trung Quốc sẽ còn nhập khẩu lượng thịt lợn cao hơn nữa và có thể đạt mức 4,6 triệu tấn do sản lượng thịt nội địa giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 25% trong năm nay so với năm 2018 xuống còn khoảng 40,5 triệu tấn, và rồi sẽ giảm thêm từ 10 - 15% vào năm 2020.
Không chỉ ở Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc, Triều Tiên, Lào, Myanmar và Campuchia đều đang chật vật ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đồng thời tỏ ý sẵn sàng tăng cường nhập khẩu thịt lợn trước cao điểm tiêu thụ vào cuối năm nay.
Sự thiếu hụt nguồn cung cũng đẩy giá thịt lợn nhập khẩu tăng vọt. Các thương nhân cho biết sườn lợn nhập khẩu hiện có giá khoảng 40.000 NDT (5.680 USD) mỗi tấn, cao hơn gấp đôi so với mức 17.600 NDT (khoảng 2.517 USD)/tấn ghi nhận hồi mùa Xuân năm 2019. Giá cho các phần thịt khác như móng giò và thịt sườn cũng tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn.
Giới phân tích cho rằng chính sự phi mã của giá thịt lợn đã khiến Chỉ số giá thịt của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tăng 12,5% tính từ đầu năm đến nay và đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2015. Trong đó, chỉ số phụ cho giá thịt lợn đã tăng tới hơn 20%.
Cơ hội của các nhà xuất khẩu thịt trên thế giới
Sự khan hiếm nguồn cung thịt của Trung Quốc cũng như việc giá thịt lợn thế giới tăng cao đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh các mặt hàng này ở nhiều nước.
Liên minh châu Âu (EU), nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã nỗ lực tăng cường xuất khẩu mặt hàng này sang nền kinh tế hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, họ chỉ có đáp ứng một phần thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Trong bối cảnh đó, Argentina và Brazil đã nhanh chóng cấp phép thêm cho nhiều nhà máy xuất khẩu sang Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thịt lợn khổng lồ của nước này, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu thịt bò và thịt gà để “lấp đầy” khoảng trống thiếu hụt nguồn cung thịt.
Sự khan hiếm nguồn cung thịt của Trung Quốc cũng như việc giá thịt lợn thế giới tăng cao đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh các mặt hàng này ở nhiều nước. Ảnh minh họa: TTXVN
Các nông dân của Argentina cho biết trước đây Trung Quốc thường nhập những phần thịt giá rẻ, trong khi những phần thịt cao cấp hơn được dành để xuất sang EU. Nhưng hiện các nhà nhập khẩu Trung Quốc lấy nguyên con, qua đó khiến lượng thịt bán ra trên chính thị trường nội địa Argentina suy giảm.
Một lợi ích khác đến từ nhu cầu thịt ngày càng tăng của Trung Quốc là việc mở lại các nhà máy sản xuất thịt bò ở Argentina. Khi biên lợi nhuận được cải thiện, các nhà máy mở cửa trở lại với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc.
Quốc gia láng giềng của Argentina là Brazil cũng được hưởng lợi từ nhu cầu tăng vọt của Trung Quốc. Theo các tập đoàn buôn bán thịt của Brazil, Bắc Kinh đã nhanh chóng cho phép Brazil tăng gấp đôi số lượng nhà máy chế biến thịt bò có giấy phép được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc đại lục lên 33 nhà máy.
Trong năm 2018, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 1,64 triệu tấn thịt bò với Trung Quốc nhập khẩu 19,3% trong số này, chỉ sau Hong Kong (Trung Quốc). Sang năm nay, xuất khẩu loại thịt trên của quốc gia Nam Mỹ này được dự báo sẽ tăng lên 1,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu thịt lợn của Mỹ lại có phần lạc lõng trong xu hướng này. Việc Trung Quốc áp đặt những mức thuế quan khổng lồ đối với thịt lợn Mỹ như một phần của cuộc xung đột thương mại đang diễn ra với nước này đồng nghĩa là ngành sản xuất thịt của Mỹ sẽ hưởng lợi ít hơn so với các đối thủ nêu trên.
Các nhà chế biến có trụ sở tại Mỹ như Seaboard Corp và Smithfield Food, một đơn vị của WH Group Ltd, đang gặp bất lợi về doanh số bán so với các nhà cung cấp khác, do Bắc Kinh áp mức thuế cao đối với thịt lợn Mỹ. Tuy nhiên, Smithfield đã cho trang bị một lò mổ để cung cấp lợn nguyên con sang Trung Quốc, hiện là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.
Một số công ty lớn khác chuyên về sản xuất thịt của Mỹ như Smithfield Food tỏ ra không quá lo lắng vì đã đảm bảo được doanh số bán hàng trực tiếp sang Trung Quốc. Tyson Food cũng dự kiến sẽ được hưởng lợi từ dịch tả lợn châu Phi thông qua tăng xuất khẩu thịt sang thị trường Trung Quốc hoặc các quốc gia khác khi dịch bệnh này làm xáo trộn hoạt động buôn bán thịt trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang làm tổn thương các nhà sản xuất lợn hơi quy mô nhỏ và vừa của Mỹ. Một số thương nhân cho biết họ muốn bán hàng cho người mua Trung Quốc hơn là nhiều nơi khác trên thế giới. Vì các nhà nhập khẩu Trung Quốc là khách hàng chính cho những sản phẩm như móng giò và nội tạng – vốn ít được ưa chuộng tại nhiều thị trường khác./.
>> Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục