Trung Quốc hạ lãi suất công cụ cho vay trung hạn để hỗ trợ nền kinh tế

20:07' - 17/02/2020
BNEWS Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 17/2 đã giảm 10 điểm cơ bản trong lãi suất của công cụ cho vay trung hạn.
Kiểm đồng 100 Nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 17/2 đã giảm 10 điểm cơ bản trong lãi suất của công cụ cho vay trung hạn (MLF) trong bối cảnh nước này đang nỗ lực giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế.

PBoC đã hạ lãi suất của khoản cho vay MLF trị giá 200 tỷ NDT (khoảng 28,66 tỷ USD) cho các thể chế tài chính từ 3,25% xuống còn 3,15%. Không có khoản vay MLF nào đáo hạn trong ngày 17/2.

Ngoài ra, cũng trong ngày 17/2, khi lượng hợp đồng mua lại (repo) đảo ngược trị giá 1.000 tỷ NDT đáo hạn, PBoC còn bơm 100 tỷ NDT vào thị trường thông qua thỏa các hợp đồng repo đảo ngược thời hạn 7 ngày.

Được đưa ra như đồn đoán của thị trường, các động thái nói trên của PBoC là nhằm duy trì mức thanh khoản phù hợp trong hệ thống ngân hàng.

Wen Bin, trưởng bộ phận phân tích của Ngân hàng Minsheng của Trung Quốc, cho hay động thái này cũng mở đường cho việc giảm Lãi suất cho vay cơ bản (LPR), giúp giảm chi phí cho vay và nới lỏng tài chính đối với các công ty đang bị thiệt hại do dịch bệnh. LPR dự kiến sẽ được công bố vào ngày 20/2 tới.

Chuyên gia này cho rằng PBoC có thể sẽ giữ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và phù hợp, cũng như tăng cường các điều chỉnh nghịch chu kỳ để giảm chi phí vay vốn của nền kinh tế. Ông cũng cho rằng PBoC vẫn còn khả năng hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Trung Quốc áp dụng MLF từ năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng chính sách và thương mại duy trì thanh khoản bằng cách cho phép các ngân hàng này vay tiền từ PBoC và sử dụng cổ phiếu làm thế chấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục