Trừng phạt ngành dầu mỏ Venezuela - lợi bất cập hại đối với Mỹ

07:00' - 08/02/2019
BNEWS Theo bình luận của BBC Mundo, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng “mọi lựa chọn” nhằm giải quyết vấn đề Venezuela đều đã được đặt lên bàn, điều gì sẽ xảy ra nếu đó là sự lựa chọn mang tên dầu mỏ?
Một cơ sở khai thác dầu tại Caracas, Venezuela. Ảnh: AFP/TTXVN

Rõ ràng ban đầu ông Trump đã hướng theo cách không cắt bỏ nguồn thu nhập sống còn mà chính quyền Nicolas Maduro nhận được từ việc xuất khẩu dầu thô sang Mỹ bất chấp những căng thẳng leo thang giữa hai bên. 
Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy con đường tấn công nhằm hạ bệ chính phủ cánh tả Venezuela đã thay đổi. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton ngày 28/1 đã thông báo quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA của Venezuela, theo đó các khoản thanh toán của mọi giao dịch mua bán dầu với PDVSA sẽ được chuyển vào các tài khoản đã bị phong tỏa để phục vụ cho các hoạt động của chính phủ của “tổng thống lâm thời” Juan Guaido. 
Ông Bolton cũng cho rằng biện pháp trừng phạt này nằm trong nỗ lực “vạch trần sự tham nhũng” của Tổng thống Maduro và lãnh đạo chính quyền nước này nhằm đảm bảo rằng họ không thể tiếp tục “bòn rút” tài sản của nhân dân Venezuela.
Giới quan sát đánh giá việc Nhà Trắng áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào tập đoàn PDVSA chắc chắn sẽ khiến cho việc xuất khẩu dầu sang Mỹ bị tê liệt nếu chính phủ của ông Maduro quyết định ngừng bán mặt hàng này cho Washington. Giáo sư Christopher Sabatini thuộc trường đại học Columbia cho rằng đây sẽ là một rủi ro lớn không chỉ đối với Venezuela, mà cả với chính nước Mỹ.
Venezuela đã xuất khẩu trung bình khoảng 500.000 thùng dầu/ngày cho Mỹ, gần một nửa tổng số dầu mà quốc gia Nam Mỹ này xuất khẩu ra thế giới. Cho dù con số này trong những năm gần ddây đã giảm đáng kể song đó vẫn là nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với tập đoàn PDVSA và nhà nước Venezuela.  
Ông Sabatini nhận định, việc Venezuela mất đi một khoản lớn ngoại tệ từ việc bán dầu sang Mỹ sẽ đưa nước này vào một tình thế vô cùng khó khăn trong bối cảnh đó là nguồn thủ để chính quyền Caracas nhập khẩu lương thực và thuốc men. 
Trên thực tế, Mỹ không phải thị trường duy nhất mà Venezuela bán dầu mỏ khi họ còn có một số khách hàng tiềm năng khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, lượng dầu xuất khẩu sang các quốc gia châu Á này chỉ yếu để thanh toán các khoản nợ của Venezuela.
Ở chiều ngược lại, việc Mỹ đóng cửa thị trường đối với dầu mỏ của Venezuela có thể sẽ khiến cho chính quyền Maduro phụ thuộc nhiều hơn nữa vào sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga. Theo ông Sabatini, điều này có thể sẽ là một mối lo ngại lớn đối với Washington bởi vì như vậy quyền lực của hai nước trên đối với nền kinh tế Venezuela sẽ gia tăng. Đó cũng là một “tác động ngược” mà Tổng thống Trump cần phải tính tới nếu muốn giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở Mỹ Latinh.
Mặc dù Washington đã tính tới khả năng áp dụng biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Venezuela từ nhiều tháng nay, song họ đã cố gắng tránh không phải thực hiện cho đến phút cuối cùng khi không thể đừng được vì những lý do chính trị nội bộ. 
Một trong những lý do là vì các nhà máy lọc dầu của Mỹ ở vùng bờ biển Vịnh Mexico được xây dựng để xử lý dầu thô nặng của Venezuela. Chuyên gia Francisco Monaldi thuộc Trung tâm Baker ở Houston cho biết, có thể việc cắt giảm nhập khẩu dầu thô của Venezuela sẽ không tác động nhiều tới gia xăng ở Mỹ và chính phủ hoàn toàn có thể giảm thiểu tác động tiêu cực nếu họ xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược. 
Tuy vậy, đối với các nhà máy được thiết kế để xử lý dầu thô nặng của Venezuela thì việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới sẽ là một thách thức rất lớn. Quả thực, ngành dầu khí với những ảnh hưởng nhất định đối với đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đã từng nhiều lần đề nghị Nhà Trắng và Quốc hội cố gắng tránh việc phải áp dụng những hạn chế trong việc nhập khẩu dầu thô từ Venezuela.
Ông Monaldi kết luận, với những biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào lĩnh vực dầu khí của Venezuela, chắc chắn giá dầu thô nặng sẽ tăng mạnh so với dầu thô nhẹ, cùng với đó năng suất của các nhà máy lọc dầu của Mỹ sẽ bị giảm và có thể sẽ gây ra những tác động nhất định về chính trị đối với Tổng thống Trump./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục