Trở ngại nào khiến Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận thương mại?

06:30' - 04/10/2019
BNEWS Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần qua cho hay thỏa thuận giữa hai bên có thể đạt được sớm hơn dự kiến.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp toàn thể lần thứ 74 của của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn Sputnik, Giáo sư Zhang Jiadong tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Fudan, nhận định rằng sự thiếu tin tưởng giữa các bên, đặc biệt là giữa Trung Quốc đối với Mỹ, đang cản trở một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 10-11/10 tới sau nhiều tháng hai bên có những hành động “ăn miếng trả miếng” về thuế quan, làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu và khiến các thị trường chao đảo.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần qua cho hay thỏa thuận giữa hai bên có thể đạt được sớm hơn dự kiến. 

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong xác nhận rằng các công ty Trung Quốc đã bắt đầu mua đậu tương và thịt lợn của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng loại các mặt hàng này ra khỏi danh sách hàng hóa phải chịu thuế.
Giám đốc điều hành Qualcomm Steve Mollenkopf gần đây tuyên bố Qualcomm đang nối lại việc cung cấp chip và linh kiện cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng việc cung cấp các thành phần này sẽ được duy trì trong tương lai vì Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất đối với nhà sản xuất Mỹ. 

Đổi lại, Huawei cũng đang cố gắng “xoa dịu” tình hình. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đề nghị bán công nghệ 5G của mình cho bất kỳ công ty Mỹ nào - từ bằng sáng chế và mã nguồn cho đến tất cả các bí quyết sản xuất và công nghệ. Ông lưu ý Huawei không ngại tạo ra đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực 5G.
Rõ ràng, cả hai quốc gia đều đã mệt mỏi với cuộc chiến thương mại kéo dài và đối tượng bị tấn công trước hết là các doanh nghiệp. Giới kinh doanh đang cố gắng hết sức để giải quyết xung đột, và trước hết, sự nhượng bộ lẫn nhau ở đây xuất phát từ mong muốn duy trì lợi nhuận và quy mô của doanh nghiệp.
Nhưng thỏa thuận thương mại không thể đạt được nếu không có những nhượng bộ cơ bản, đôi khi gây thiệt hại lớn cho mỗi quốc gia. Giáo sư Zhang Jiadong cho biết Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức 12 vòng đàm phán, vòng thứ 13 dự kiến diễn ra vào tháng Mười tới. 

Trong vòng đàm phán cuối cùng, hai bên đã đặt ra cơ sở để đi đến thỏa thuận, nhưng vẫn không đưa ra được quyết định, do đó thỏa thuận đã không được ký kết. Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng là kết quả nhượng bộ lẫn nhau. 

Có khả năng cao là một số loại thỏa thuận tạm thời sẽ được ký kết. Cần lưu ý, ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại, không có nghĩa là mọi vấn đề giữa hai nước sẽ dừng lại. Điều này sẽ không xóa bỏ tất cả những mâu thuẫn đã tích tụ giữa hai nước.
Theo Giáo sư Zhang Jiadong, sự thiếu tin tưởng là trở ngại chính khiến hai nước khó tiến tới thỏa thuận cuối cùng. Rốt cuộc, trong năm qua đã bao nhiêu lần thỏa thuận đạt được, nhưng các bên không thực hiện. 

Chẳng hạn như trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại Osaka, các bên đã thỏa thuận tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ông Trump lại tuyên bố đơn phương áp đặt thuế quan mới.
Theo chuyên gia này, trở ngại chính cản trở thỏa thuận thương mại là mức độ tin cậy tương đối thấp giữa hai nước. Nỗi quan ngại lớn nhất của Bắc Kinh là ngay cả khi thỏa thuận được ký kết, Mỹ vẫn có thể tuyên bố cuộc chiến thương mại mới và gây ra những áp lực đối với Trung Quốc. 

Về phía Washington, họ lo sợ rằng sau khi ký thỏa thuận, trong thực tế Trung Quốc sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Các nhượng bộ hiện tại của cả hai bên chỉ là các động thái chiến thuật vì lợi ích của họ. Trung Quốc quan tâm đến việc mua các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi của Mỹ trong điều kiện hiện tại. Các công ty công nghệ Mỹ đơn giản là không tìm được thị trường thay thế Trung Quốc. 

Tổng thống Trump đã trình bày quyết định của mình như một cử chỉ thiện chí hoãn áp dụng thuế quan mới cho đến ngày 15/10/2019. Trước bối cảnh truyền thông tiêu cực về việc luận tội ông Trump, Tổng thống Mỹ hiện cần ít nhất một số thành tựu cục bộ. Theo nghĩa này, cuộc đàm phán Mỹ-Trung sắp tới sẽ là một giải pháp. 

Ngay cả khi những đột phá không xảy ra, ông Trump luôn có thể nói rằng các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần xây dựng, khiến thị trường chứng khoán tăng điểm, mà không cần đưa ra chi tiết cụ thể về kết quả đàm phán.
Trong diễn biến mới đây, ngày 28/9, Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ Monica Crowley cho biết Chính quyền nước này không có kế hoạch ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ tại thời điểm này.
Trước đó, theo một số nguồn tin công bố vào ngày 27/9, chính quyền của Tổng thống Trump  xem xét hủy niêm yết cổ phiếu của các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Động thái được cho là sẽ làm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang hơn nữa. 
Hai trong số các nguồn tin cho hay việc xem xét trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc. Trong khi một nguồn tin khác nói rằng động thái được thúc đẩy bởi mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh của chính quyền ông Trump liên quan đến hoạt động của các công ty.
Hồi tháng Sáu vừa qua, các nhà lập pháp Mỹ thuộc cả hai đảng đã giới thiệu một dự luật để buộc các công ty Trung Quốc được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Mỹ phải chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý, bao gồm khả năng tiếp cận kiểm toán hoặc bỏ niêm yết. 

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã ngần ngại để các nhà quản lý nước ngoài kiểm tra các công ty kế toán địa phương - bao gồm các công ty thành viên của mạng lưới kế toán quốc tế Big Four - viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia. 

Tính đến tháng 2/2019, có 156 công ty Trung Quốc đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán NASDAQ và New York, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, trong đó có ít nhất 11 công ty nhà nước. 
Dù ý tưởng bỏ niêm yết có thể là một chiêu thức gây ảnh hưởng tâm lý trước các cuộc đàm phán, theo nguồn tin của Reuters, mục đích chính của việc này là chống lại sự hòa trộn quân sự-dân sự của các công ty công nghệ Trung Quốc, chương trình phát triển công nghiệp “Made in China 2025” nhắm vào các ngành nghiệp chủ chốt./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục