Trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng 2019

16:02' - 13/08/2018
BNEWS 15/15 thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu, thống nhất trình Chính phủ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2019 là 5,3%, tương đương mức với mức tăng lương tối thiểu vùng ở vùng 1 là 200.000 đồng.
Sau khi tăng lương, doanh nghiệp không được cắt giảm bất kỳ khoản thu nhập nào trước đó người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 13/8, tại Phiên họp thứ ba Hội đồng Tiền lương Quốc gia được tổ chức tại Hải Phòng, 15/15 thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu, thống nhất trình Chính phủ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2019 là 5,3%, tương đương mức với mức tăng lương tối thiểu vùng ở vùng 1 là 200.000 đồng; vùng 2 là: 180.000 đồng; vùng 3 và 4 là: 160.000 đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, quan điểm của Chính phủ là tạo cơ hội cho các bên thương lượng, từ đó đề ra các mức tăng xích lại gần nhau hơn.

Tăng ở mức bao nhiêu không chỉ cần đảm bảo lợi ích các bên, còn cần đảm bảo cả các vấn đề quốc gia như việc làm, trật tự, an sinh xã hội.
Trước đó, hai phiên họp diễn ra trong tháng 7, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia không tìm được tiếng nói chung khi thảo luận mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Từ khoảng cách 8% ở phiên thứ nhất, trong phiên thứ 2, phía đại diện cho chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thay đổi quyết định, từ không tăng đưa lên mức tăng 2%. Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%.

Trong khi đó, đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ mức đề xuất 8%.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết chưa thực sự hài lòng với mức tăng 5,3% tuy nhiên qua trao đổi, các thành Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều cho rằng, cần nhìn thẳng vào thực tế việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như điều kiện sống của người lao động.

Cuối cùng, Hội đồng chốt ở mức trên. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, mức tăng này đòi hỏi một số cố gắng cũng như chia sẻ đối với người lao động. Mong rằng người lao động sẽ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp bằng sự nỗ lực cố gắng, nâng cao hiệu quả lao động để có thể phát huy được yêu cầu của công việc.

Phía doanh nghiệp phải điều chỉnh năng lực quản trị, tiết giảm những chi phí không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến khoa học công nghệ để năng suất lao động được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu của hội nhập và nâng cao năng lực chi trả của doanh nghiệp. Điều này cần sự nỗ lực của cả người sử dụng lao động và người lao động.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 8%. Viện trưởng Viện Công nhân (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Vũ Quang Thọ khẳng định, Hội đồng tiền lương đã có quy định, sau khi tăng lương, doanh nghiệp không được cắt giảm bất kỳ khoản thu nhập nào trước đó người lao động đã được hưởng như: tiền xăng xe, ăn trưa, tiền nhà ở, tiền hỗ trợ nuôi con…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp sau khi áp dụng mức lương mới. Để đạt được mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động vào năm 2020, trong lần họp tăng lương năm sau, người lao động cần được tăng thêm 10% tiền lương so với năm nay./.
Xem thêm:

>>Tăng lương tối thiểu vùng năm 2019: Bài 1 - Người lao động và doanh nghiệp cùng kêu khó

>>Tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 (Bài 2): Cần đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục