Triển vọng “đình chiến” trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

05:30' - 11/12/2018
BNEWS Theo nhận định của giới chuyên gia, việc hai cường quốc Mỹ-Trung đình chiến là sự thể hiện thái độ có trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế thương mại của hai nước nói riêng và toàn cầu nói chung.
Triển vọng đình chiến trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp và thảo luận “rất tích cực” bên lề hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở Argentina, hai bên đồng ý ngừng các biện pháp hạn chế thương mại như gia tăng mức thuế. 

Tờ Đại Công báo, nhật báo có quan điểm thân Trung Quốc của Hong Kong, cho rằng còn quá sớm để nói thương mại Mỹ-Trung sẽ “đình chiến”, vẫn phải xem liệu Trung Quốc và Mỹ trong vòng 90 ngày có thể đạt được nhận thức chung về phương diện cải cách mang tính cấu trúc hay không mới là vấn đề then chốt.

Theo tuyên bố mà lãnh đạo 2 nước đưa ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ không tiếp tục leo thang, hai bên nhất trí sẽ không áp đặt các biện pháp thuế quan mới sau ngày 1/1/2019, vẫn duy trì ở mức 10% (chứ không phải là 25% như trước đó tuyên bố).

Hai bên sẽ tăng cường thảo luận, một khi đàm phán được thỏa thuận thì tất cả mức thuế quan mà áp cho năm nay đều có thể được hủy bỏ. Ngoài ra, theo nguồn tin nội bộ, nếu hai bên trong vòng 90 ngày không đạt được thỏa thuận thì Mỹ sẽ nâng mức thuế suất từ 10% lên 25%.

Trương Yến Sinh, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho biết nếu va chạm thương mại tiếp tục leo thang thì không chỉ ảnh hưởng đến hai nước, mà còn sẽ tác động nặng nề đến thương mại toàn cầu. Sở dĩ hai nước lần này đồng ý ngừng biện pháp gia tăng mức thuế chính vì đã nhìn thấy điểm này. 

Phó Viện trưởng Thường trực Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch chỉ rõ: diễn biến quan hệ hai nước kể từ 6 tháng trở lại đây cho thấy cách thức mà một bên có ý đồ "đơn phương áp đảo" bên kia không thể có hiệu quả, hai bên cần phải quay trở lại quỹ đạo đối thoại và đàm phán. Đúng như Tập Cận Bình đã nói: “Hợp tác là sự lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc và Mỹ”.

Phó ban nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Bộ thương mại Trung Quốc Bạch Minh cho rằng hai nước lần này đạt được nhận thức chung là kết quả nỗ lực của Trung Quốc trong việc vừa mở ra cánh cửa đàm phán. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cuộc đàm phán 90 ngày tiếp theo sẽ không dễ dàng bởi những điều kiện mà phía Mỹ đưa ra "vẫn rất cao". 

Muốn giải quyết các bất đồng đặc biệt là liên quan đến phương diện cải cách mang tính cấu trúc giữa Trung Quốc và Mỹ thì hai bên cần phải tìm kiếm điểm lợi ích chung thông qua các cuộc tiếp xúc và thảo luận liên tục.

Giáo sư kinh tế Dư Trí của Học viện kinh doanh, thuộc trường Đại học kinh tế tài chính Thượng Hải, cho rằng không nên "lạc quan mù quáng" về tình hình hiện nay. 

Nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao Mỹ-Trung đạt được lần này chỉ khiến cho cuộc chiến thương mại không tiếp tục mở rộng, nhưng cũng không thể hiểu là “đình chiến”. Suy cho cùng hai bên đều chưa hủy bỏ phần thuế quan đã áp lẫn nhau, mà cuộc chiến thương mại không mở rộng cũng chỉ mang tính tạm thời. 

Ông chỉ rõ lần này Nhà Trắng đồng ý tạm ngừng mở rộng cuộc chiến thương mại là có điều kiện tiên quyết trên hai phương diện: một là, Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của Mỹ; hai là, Trung Quốc tiến hành cải cách mang tính cơ cấu. Điểm thứ hai sẽ là điểm khó trong cuộc đàm phán tiếp theo, đặc biệt là “ngừng ép buộc chuyển giao công nghệ”. 

Hiện nay, quan điểm của hai nước Mỹ-Trung tồn tại bất đồng mang tính cơ bản đối với vấn đề chuyển giao công nghệ (việc chuyển giao công nghệ sẵn có là ‘ép buộc’ hay là ‘tự nguyện’).

Điều đáng quan tâm là lần này trọng điểm mà trong tuyên bố của Nhà Trắng nhắc đến là đàm phán những thay đổi mang tính cấu trúc tiếp theo, nhưng không đề cập đến vấn đề “trợ cấp ngành nghề và các doanh nghiệp nhà nước”. Theo Giáo sư Dư Trí, điều này cho thấy Mỹ hy vọng hai bên có thể đạt được một số kết quả khác trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Bên cạnh đó, vấn đề Trung Quốc vẫn sẽ “trợ cấp ngành nghề và các doanh nghiệp nhà nước” sẽ tiếp tục được đàm phán song phương và đàm phán đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bởi đây cũng là vấn đề mà Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản quan tâm. 

Nếu vấn đề này không được giải quyết về cơ bản thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung rất khó đi đến hồi kết. 

Ban đầu Tổng thống Trump áp thuế lên danh mục hàng hóa của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD chính là nhằm vào nội dung này nên nhà lãnh đạo nước Mỹ sẽ không hủy bỏ trong trường hợp chưa giành được sự nhượng bộ thực chất từ Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục