Triển lãm quốc tế robot năm nay tại Nhật Bản có gì đặc biệt?

17:16' - 30/11/2017
BNEWS Ngày 29/11, Triển lãm quốc tế Robot lần thứ 22 tại Nhật Bản đã khai mạc tại trung tâm triển lãm Tokyo Big Sight.
Khách thăm quan chiêm ngưỡng một robot tại Triển lãm robot quốc tế 2017 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Với chủ đề “Cuộc cách mạng robot đã khởi động – Hướng đến một xã hội thân thiện”, triển lãm do Hiệp hội robot phối hợp với Nhật Bản công nghiệp Nhật Bản đã thu hút 612 công ty, viện nghiên cứu, trường đại học…đến từ khắp nơi trên thế giới.

Với tổng cộng 2.775 gian trưng bày, các công ty tham gia triển lãm đã giới thiệu những công nghệ robot tiên tiến nhất, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, bán hàng, bốc dỡ hàng hóa, y học, các công nghệ liên quan đến robot.

Triển lãm được chia ra hai khu vực gồm khu vực robot công nghiệp và khu vực robot dịch vụ.

Tại khu vực robot dịch vụ, có nhiều tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp robot như Panasonic, Kubota, Đại học Kyoto…

Trong lần tham gia này, Panasonic đặc biệt chú trọng đến robot trong hai lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp. HOSPI là tên gọi của loại robot di động được ứng dụng tại các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn với chức năng chuyển phát thuốc, phục vụ đồ ăn uống.

HOSPI có trọng lượng xấp xỉ 185kg, cao khoảng 1,4m, có tải trọng khoảng 20 kg, có thể hoạt động liên tục trong 7 giờ đồng hồ tùy theo điều kiện và môi trường sử dụng.

Hiện tại, HOSPI đã được sử dụng tại một số bệnh viện, nhà hàng ở Singapore, Nhật Bản.

Robot thứ hai của Panasonic có tên robot chuyển động WHILL NEXT có chức năng hỗ trợ người khuyết tật vận động, người kém sức khỏe di chuyển tại những khu vực rộng lớn như sân bay, siêu thị…

Robot được thiết kế giống xe lăn, có trọng lượng xấp xỉ 60kg, tải trọng tối đa là 115kg, có thể di chuyển trên một đoạn đường tối đa dài 15km với vận tốc tối đa 4km/h.

Điều đặc biệt giúp cho robot này khác với xe lăn hiện đại là thiết bị cảm ứng có thể nhận biết được vật cản trên đường đi để tránh hoặc dừng lại. Khi đèn cảm ứng hiển thị màu xanh, tức là đường đi an toàn để di chuyển.

Nếu đèn cảm ứng chuyển sang màu đỏ, ngay lập tức robot sẽ dừng di chuyển. Ngoài ra, sau khi tải một ứng dụng đặc biệt về điện thoại, người dùng có thể sử dụng ứng dụng này để gọi WILL NEXT di chuyển đến đón mình.

Bên cạnh đó, Panasonic cũng chú trọng đến robot trong lĩnh vực nông nghiệp khi giới thiệu robot thu hoạch cà chua.

Robot được lắp đặt một thiết bị đặc biệt để xác định cà chua chín và tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch hết cà chua chín, robot sẽ ngừng lại. Giám đốc bộ phận phát triển robot của Panasonic, ông Hiroyuki Sasai cho biết trung bình một tiếng, robot hái được 360 quả. Hiện tại, robot này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Tại triển lãm robot 2017, trường Đại học Kyoto kết hợp với Tập đoàn Kubota cũng đem đến hai sản phẩm robot ứng dụng trong nông nghiệp gồm robot gặt lúa và robot cấy lúa.

Sản phẩm robot gặt lúa, được điều khiển bằng một ứng dụng cài đặt trên máy tính, sử dụng thiết bị định vị để truyền lệnh điều khiển hoạt động cho thiết bị gặt. Robot cấy lúa cũng có cơ chế hoạt động tương tự.

Hai robot này được đánh giá có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giải phóng sức lao động của con người.

Triển lãm, được tổ chức theo định kỳ hai năm, nhằm quy tụ các đơn vị chế tạo robot, các công nghệ liên quan đến robot hàng đầu Nhật Bản và thế giới với mục đích trao đổi kinh nghiệm để tiến tới cải tiến công nghệ robot và phát triển thị trường trong lĩnh vực này, hỗ trợ cho việc tạo ra các thị trường mới và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực robot.

Triển lãm dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 2/12, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Triển lãm robot 2017 được đánh giá là triển lãm robot lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản.

>>>Sức mạnh của robot có thể tăng 1.000 lần nhờ cơ nhân tạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục