Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may quy tụ hơn 1.000 doanh nghiệp

12:59' - 10/04/2019
BNEWS Sáng 10/4, Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt và May, Thiết bị và nguyên phụ liệu 2019 (SAIGON TEX & SAIGON FABRIC) đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.
Khách tham quan gian trưng bày máy cắt may tự động một tại triển lãm. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là sự kiện quốc tế thường niên đạt tiêu chuẩn UFI (Hiệp hội Công nghiệp Triển lãm Toàn cầu) do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Công ty TNHH Dịch vụ Triển lãm VCCI, Công ty Triển lãm cổ phần (Hong Kong, Trung Quốc), Công ty TNHH Triển lãm cổ phần Việt Nam phối hợp tổ chức.
Triển lãm năm nay thu hút hơn 1.000 nhà cung ứng đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gồm Bỉ, Campuchia, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ…
Triển lãm nhằm cung cấp một thị trường cung ứng cho nhà thu mua với nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Từ đó, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ hợp tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: Triển lãm năm nay sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất để đầu tư trực tiếp vào nguyên liệu thô và tích cực đáp ứng nhu cầu của người mua trong nước và quốc tế.

Song song đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam để hội nhập hiệu quả hơn vào thị trường quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung khai thác hiệu quả máy móc, thiết bị công nghiệp chất lượng cao và hệ thống công nghệ tự động hóa cao cung cấp các giải pháp cho công nghệ may mặc theo công nghiệp 4.0.
Còn ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng phát triển dựa trên nền tảng cải thiện nguồn nhân lực chất lượng, máy móc, thiết bị... Tuy nhiên thị trường dệt may toàn cầu ngày càng thách thức đòi hiểu ngành dệt may Việt Nam phải đổi mới. Đặc biệt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải sở hữu bộ công cụ cạnh tranh mới, gồm: công nghệ, năng suất...
Ngoài ra, liên kết liên doanh và hợp tác là yếu tố bắt buộc để phát triển trên thị trường hội nhập. Do nhận thức được tầm quan trọng của ngành dệt may Việt Nam trong hội nhập và phát triển kinh tế, Vinatex phối hợp các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức thường niên SAIGON TEX & SAIGON FABRIC.
Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 13/4, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu từ nguyên liệu, máy móc... đến xu hướng phát triển thông tin thị trường...

Thông qua đó, giúp doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững và mở rộng thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, cũng như kết nối doanh nghiệp sản xuất và nhà cung cấp toàn cầu, góp phần thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới./.
Xem thêm:

>>Ngành dệt may chủ động ứng phó khi có biến động

>>Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục