Trên 70% các bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật

13:37' - 12/07/2017
BNEWS Trong những năm gần đây, sự biến đổi phức tạp của môi trường toàn cầu, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ động vật sang người là mối đe dọa sức khỏe con người.
Trên 70% các bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Ảnh: TTXVN

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị “Tăng cường công tác phối hợp một sức khỏe tại Việt Nam theo Kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người (OHSP) giai đoạn 2016-2020”, ngày 12/7. Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên 70% các bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh nguy hiểm, mới nổi và các bệnh truyền lây từ động vật sang người gây ra các vấn đề về sức khỏe, gây ra thiệt hại to lớn về kinh tế, bất ổn về xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn cầu.

Vì vậy, kiểm soát hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhằm hướng tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm là việc cần thiết không chỉ riêng của ngành y tế, ngành nông nghiệp, cũng không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà còn của các quốc gia khác trên thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện, đa ngành giữa Bộ Y tế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành liên quan trong những năm qua đã góp phần khống chế hiệu quả dịch cúm gia cầm và cúm ở người; phòng, chống các dịch bệnh khác lây truyền từ động vật sang người (như: dại, than, MERS-CoV, Ebola...) cũng như các vấn đề như kháng kháng sinh, bệnh lây truyền từ thực phẩm…

Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh.

Do dó, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt đề xuất thành lập "Đối tác một sức khỏe phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người" nhằm thúc đẩy sự phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế.

Đối tác một sức khỏe được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm của sự hợp tác giữa các cơ quan trong nước và cộng đồng quốc tế thông qua nỗ lực phòng chống bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao và có nguồn gốc từ động vật.

Trong khuôn khổ “Kế hoạch chiến lược Một sức khỏe quốc gia (OHSP) giai đoạn 2016-2020”, Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục tham gia tích cực, thúc đẩy và triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng chống dịch bệnh, bao gồm cả dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người...
Kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế phối hợp thực hiện cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan khác với sự hợp tác chặt chẽ của các thành viên trong nước và quốc tế.

Trong đó, có một khung kế hoạch 5 năm nhằm nâng cao năng lực giúp giảm thiểu các tác động đến sức khỏe con người và tác động khác gây ra bởi bệnh truyền lây giữa động vật và người.

Trọng tâm của Kế hoạch hướng đến việc phát triển năng lực của các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến tiếp cận Một sức khỏe, tập trung các lĩnh vực ưu tiên và các dịch bệnh của quốc gia với 3 mục tiêu chính.

Cụ thể là tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe trong việc phòng ngừa, kiểm soát các bệnh truyền lây giữa động vật và người; đẩy mạnh phòng ngừa các trường hợp khẩn cấp đối với bệnh có nguồn gốc động vật xuất hiện trên người; vận dụng các nguyên tắc một sức khỏe để hạn chế tác động của các bệnh truyền lây giữa động vật và người hiện nay.
Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Các hoạt động trọng tâm của ngành y tế trong khuôn khổ kế hoạch "Một sức khỏe" tập trung vào nâng cao năng lực xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi (như: các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm, dại, MER-CoV...); xây dựng hệ thống dữ liệu y tế quốc gia nhằm quản lý tổng thể dữ liệu từ nhiều nguồn nhằm giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh để có các biện pháp đáp ứng và kiểm soát dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Bộ Y tế tích cực phối hợp với ngành thú y để xây dựng các thông điệp truyền thông về những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người (như: dại, cúm gia cầm...).

Bên cạnh đó, ngành y tế đã triển khai đào tạo thạc sỹ chuyên ngành "Một sức khỏe" tại Đại học Y Hà Nội từ năm 2016 với học viên là cán bộ đang công tác trong các ngành liên quan như y tế, thú y, môi trường...; triển khai diễn tập liên ngành trong đáp ứng phòng chống dịch cúm gia cầm và một số tình huống dịch bệnh khác.

Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh dự phòng các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người có nguồn gốc động vật...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như: Hoạt động trọng tâm của ngành nông nghiệp trong khuôn khổ kế hoạch, các hoạt động sẽ được triển khai cụ thể của Kế hoạch, vai trò của đối tác một sức khỏe trong việc chia sẻ thông tin và điều phối thực hiện kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe quốc gia giai đoạn 2016-2020.../.

Xem thêm:

>>>Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc

>>>Các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan sang người

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục