Tràn dầu, thảm họa ngoài khơi tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ

14:54' - 28/10/2018
BNEWS Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon kéo theo sự cố tràn dầu hồi năm 2010 đã trở thành một hình ảnh biểu tượng cho thảm họa môi trường liên quan tới các sự cố tràn dầu ngoài khơi.

Tuy nhiên, một vụ tràn dầu khác tưởng chừng ít được giới truyền thông và dư luận nhắc tới lại đang có nguy cơ trở thành một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Đây là kết quả điều tra do hãng AP (Mỹ) thực hiện về vụ tràn dầu xảy ra năm 2004 tại Vịnh Mexico, và được công bố trên tờ Washington Post.

Theo Washington Post, năm 2004, siêu bão Ivan đổ bộ vào nước Mỹ đã khiến giàn khoan dầu của công ty Taylor Energy bị chôn vùi trong các trận lở đất dưới biển. Tuy nhiên, 14 năm sau, từ thông tin ban đầu chỉ 9 trong số 25 thùng dầu bị rò rỉ, giờ đây, sự cố này đang khiến hàng chục nghìn gallon dầu rỏ rỉ trên Vịnh Mexico mỗi ngày.

Theo đó, ước tính mỗi ngày lại có khoảng 300 đến 700 thùng dầu bị rò rỉ từ một địa điểm cách bờ biển Louisiana khoảng 20 km kể từ năm 2004 khi giàn khoan Taylor sụp đổ. Dù số lượng dầu tại giàn khoan trên vẫn là vấn đề gây tranh cãi và là một bí ẩn, song hầu hết các chuyên gia đều dự đoán vụ tràn dầu Taylor này sẽ vượt qua vụ Deepwater Horizon, trở thành một trong những thảm họa ngoài khơi tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cuộc điều tra lớn do hãng AP thực hiện đã phát hiện tình trạng dầu rò rỉ trên thực tế nghiêm trọng hơn gấp 20 lần so với báo cáo ban đầu của Taylor Energy. Một báo cáo gần đây của AP cho thấy các luật sư chính phủ liên bang đã nộp đơn kiện lên tòa án, trong đó nhấn mạnh khoảng 37.000 đến 113.000 lít dầu (tương đương 8.140 đến 24.860 gallon) đã bị rò rỉ mỗi ngày từ nhiều giếng dầu khác nhau xung quanh giàn khoan trên.

Các luật sư cũng viện dẫn một báo cáo do một nhà khoa học nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh của khu vực này và mẫu dầu loang tại địa điểm trên.

Trao đổi với hãng AP hồi năm 2015, ông John Amo, Chủ tịch nhóm giám sát môi trường SkyTruth theo dõi các vết dầu loang bằng vệ tinh, cho rằng sự cố rò rỉ dầu Taylor chỉ là một ví dụ điển hình cho cái mà ông gọi là "một bí mật hèn hạ".

Đáng chú ý, mãi tới năm 2010, dư luận mới biết đến tình trạng rò rỉ dầu từ giàn khoan Taylor khi nhóm điều tra vụ tràn dầu Deepwater Horizon công bố những hình ảnh dầu loang bất thường bằng vệ tinh tại khu vực trên. Thậm chí khi vụ việc bị phơi bày ra ánh sáng, những người này lại xem nhẹ quy mô dầu tràn và cho rằng những hình ảnh dầu rò rỉ là sai lệch.

Hiện công ty Tayor Energy không còn tồn tại. Bốn năm sau khi nhà sáng lập công ty này qua đời năm 2004, Taylor Energy đã đồng ý bán toàn bộ tài sản cho tập đoàn Samsung C&T và Công ty Dầu khí quốc gia Hàn Quốc. Trước đó, công ty này đã chấp thuận thành lập một quỹ ủy thác 666 triệu USD để khắc phục sự cố tràn dầu trên, song hiện vẫn còn tranh chấp pháp lý xung quanh khoản tiền 423 triệu USD còn lại chưa được dùng tới.

Trong "vụ tràn dầu thế kỷ" Deepwater Horizon, giàn khoan dầu sâu nhất thế giới của hãng BP (Anh) đã phát nổ ngày 20/4/2010, khiến 11 công nhân thiệt mạng và khoảng 750.000 lít dầu thô loang rộng ra 9.000km2 trên biển.

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) kết luận hậu quả của thảm họa trên đã giết chết hàng nghìn sinh vật biển có vú và rùa biển.

Không chỉ vậy, lượng dầu rò rỉ ra từ khu vực giàn khoan của BP còn khiến một tỷ lệ không nhỏ người dân các bang ven biển Mỹ mắc triệu chứng bệnh lý như dị ứng, lở loét, cùng những dấu hiệu bất thường trong gan, phổi, máu, tuyến giáp hoặc hệ thần kinh. Nguyên do chính được đưa ra lý giải cho các triệu chứng trên là hiện tượng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm hệ sinh thái từ những vệt dầu loang trên Vịnh Mexico./.
Xem thêm:

>>Quảng Bình tổ chức tập huấn ứng phó với sự cố tràn dầu

>>Khắc phục với sự cố tràn dầu trên biển do tàu Đức Cường 06 bị chìm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục