Trà Vinh chuyển 12.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác

11:24' - 09/06/2019
BNEWS Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch đến năm 2020 tiếp tục chuyển đổi thêm 12.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng và vật nuôi khác.
Trà Vinh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 giải pháp. Ảnh minh họa: TTXVN

Qua đó, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân đảm bảo sản xuất hiệu quả cao hơn. Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng lộ trình, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn trong tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 giải pháp chính là phân định từng tiểu vùng sản xuất tập trung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, kế hoạch phân định từng tiểu vùng sản xuất tập trung của tỉnh được định hướng chi tiết, như: tiểu vùng ngọt thuộc các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần và một phần phía Bắc huyện Châu Thành, Trà Cú, sẽ phát triển mạnh sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, chuyển đổi các vùng sản xuất nhỏ lẻ, khó liên kết sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi thuỷ sản; nâng cấp, mở rộng các vườn cây ăn trái đặc sản, cây dừa thành vùng tập trung; phát triển đàn vật nuôi có lợi thế cao như lợn, gà vịt…

Ở tiểu vùng ngọt hoá của các huyện Cầu Ngang, Trà Cú và một phần huyện Duyên Hải, Châu Thành và thành phố Trà Vinh, sẽ chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc nuôi thuỷ sản; phát triển lúa đặc sản, hữu cơ sinh học; cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và đàn vật nuôi có lợi thế như: bò, lợn, dê, gà, vịt…

Đối với tiểu vùng mặn gồm phần diện tích phía Nam của Tỉnh lộ 914 tiếp giáp Biển Đông, nằm ngoài đê ngăn mặn của Dự án Nam Măng Thít, được tỉnh đầu tư phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp du lịch biển; phát triển nuôi thuỷ sản sinh thái rừng nhập mặn; nuôi cua, tôm thâm canh, bán thâm canh và sản xuất một số loại màu đặc thù như: hành tím, dưa hấu,… 

Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh phấn đấu hoàn thành kế hoạch chuyển 500 ha đất trồng lúa ở huyện Cầu Kè, Càng Long sang trồng cây ăn trái; chuyển 3.000 ha đất trồng lúa từ 2 – 3 vụ sang 1 vụ lúa luân canh màu hoặc luân canh với nuôi thủy sản tại các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và Trà Cú.  

Qua 5 năm (2014 – 2018) thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh tăng bình quân 1,45%/năm, cơ cấu  chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng thủy sản.

Tỉnh đã chuyển đổi được gần 16.300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Qua khảo sát đánh giá, hiệu quả các mô hình chuyển đổi tăng từ 1,5 đến 4 lần so với chuyên trồng lúa như trước đây, với mức bình quân, giá trị sản xuất đạt gần 128 triệu đồng/năm trên một héc ta  đất trồng trọt./.

Xem thêm:

>>Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Khó vì đâu?

>>Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 2: Khuyến khích từ chính sách hỗ trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục