TPHCM đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển dịch vụ logistics tại cảng biển

11:21' - 27/10/2018
BNEWS Để phát huy thế mạnh của hệ thống cảng biển ở Thành phố Hồ Chí Minh cho phát triển dịch vụ logistics, việc đầu tư hạ tầng giao thông cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa.
Các container phế liệu nằm rãi rác trong cảng Cát Lái. Ảnh:Hoàng Hải-TTXVN
Trong những năm qua, Tp. Hồ Chí Minh đã nỗ lực đẩy mạnh các chương trình xây dựng, phát triển cảng biển, vận tải biển và cơ sở hạ tầng phục vụ Chiến lược biển. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh của hệ thống cảng biển Thành phố cho phát triển dịch vụ logistics, việc đầu tư hạ tầng giao thông cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa. 

*Phát huy thế mạnh các cảng biển 

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng cơ chế, chính sách phát huy mọi tiềm lực, thế mạnh vùng biển, ven biển và vị trí chiến lược của thành phố trong mối quan hệ với vùng biển, ven biển Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ 15%-16%/năm, đóng góp khoảng 3% vào GDP của cả nước. Cả nước hiện có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong số đó 70% có trụ sở ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh và có khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. 

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh có 41 cảng hàng hóa đang khai thác với tổng chiều dài cầu cảng là 14.679m. Quy hoạch đến năm 2020 có 46 cảng với tổng chiều dài 16.295m cầu cảng, đến năm 2030 có 48 cảng với tổng chiều dài 18.330m cầu cảng. Trong thời gian 1997-2017, có hơn 170 nghìn lượt tàu hàng quốc tế xuất, nhập cảng Tp. Hồ Chí Minh với khoảng hơn 1,1 tỷ tấn hàng hóa. Chỉ riêng số lượng tàu hàng xuất nhập cảng tại Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2017 có tổng lượng hàng hóa xuất nhập cảnh qua lại đạt hơn 82 triệu tấn. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh đạt 55 triệu tấn, (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017 là 46,7 triệu tấn). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng, bến thủy nội địa 14,37 triệu tấn (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2017 là 10,07 triệu tấn). Sản lượng vận tải hành khách của bến đò ngang sông 3,17 triệu lượt hành khách (tăng 0,01% so với cùng kỳ năm 2017 là 3,14 triệu lượt). 

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, Cảng Tân Cảng - Cát Lái hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam, tập trung vào dịch vụ kho bãi và trung tâm phân phối hàng hóa; Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước kết nối các tuyến đường vành đai và hàng loạt khu công nghiệp, là nơi tập trung hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các khu công nghiệp ở phía Nam thành phố. Thành phố cũng đã tập trung triển khai nâng cao và phát triển tăng khả năng hoạt động của cảng Cát Lái và Hiệp Phước nhằm đáp ứng yêu cầu ngành giao thông hàng hóa của khu vực. 

Dù vậy, theo các chuyên gia, vận tải đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu, vấn nạn ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các thành phố lớn và cửa ngõ ra vào cảng biến lớn. Kết nối hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức với các đầu mối cảng biển, nhà ga, sân bay, bến cảng thủy… chưa đồng bộ. Vì vậy, ngành cảng biển chưa được khai thác hết tiềm năng, trong khi hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyền bằng đường biển chiếm tỷ trọng rất lớn. 

*Chú trọng hạ tầng kết nối 

Tại buổi làm việc với UBND Tp. Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Thành phố có hệ thống cảng biển cực kỳ quan trọng, nhưng cần có hệ thống kết nối giao thông vào các cảng để phát huy lợi thế. Nếu không kết nối tốt thì dù có tiềm năng cũng không thể phát triển, thêm vào đó cần chú trọng kết nối hệ thống cảng với các khu công nghiệp. 

Hiện nay, Thành phố có gần 1.000 km sông rạch có chức năng giao thông thủy, trong đó có khoảng 200km là tuyến hàng hải với 4 khu vực cảng biển. Gao thông thủy chưa phát huy hết thế mạnh do các tuyến trọng yếu vẫn bị hạn chế bởi các công trình vượt sông (một số cầu vi phạm tĩnh không chưa được nâng cấp), thiếu hệ thống cảng bến, nhiều luồng tuyến chưa được nạo vét. Công tác di dời các cảng theo quy hoạch nhóm cảng biển số 5 chưa hoàn thành. 

Theo Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Cảng Bến Nghé, cần nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng kết nối, đó là hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với các quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các địa phương; huy động nguồn lực đầu tư và thúc đẩy tiến độ đầu tư vào các dự án hạ tầng logistics. 

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông hiện chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối. Đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức. 

Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, ảnh hưởng đến việc khai thác thế mạnh các cảng biển của Tp. Hồ Chí Minh và làm tăng chi phí dịch vụ logistics do lưu thông khó khăn, thời gian kéo dài. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, việc ùn tắc tại cảng và giao thông đô thị như Cảng Cát Lái làm tăng chi phí logisitcs. Nguyên nhân xuất phát từ công tác quy hoạch hạ tầng logisitcs thiếu hiệu quả. Do vậy, khi quy hoạch các cảng biển, cảng cạn (IDC), trung tâm logistics, bãi đậu xe tải – container… cần xem xét trong tính liên ngành và liên vùng. 

Hiện nay, Cảng Cát Lái tập trung hơn 70% lượng container xuất, nhập của cả nước, với lượng xe container ra vào cảng Cát Lái rất lớn (hiện nay bình quân khoảng 22.000 xe/ngày đêm; cá biệt có thời điểm lên đến 23.500 xe/ngày đêm) khiến các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái (chỉ có 02 làn xe ô tô và 01 làn xe môtô cho 01 chiều lưu thông) thường xuyên bị quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Do các hướng lưu thông trong khu vực đều phải qua vòng xoay Mỹ Thủy nên ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm. 

Chính vì vậy, tại khu vực nút giao Mỹ Thủy (quận 2), Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 (Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh) đã đầu tư giai đoạn 1 Dự án nút giao Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư gần 838 tỷ đồng, được khởi công giữa năm 2016. Đầu năm 2018, khu đã đưa vào sử dụng hầm chui rẽ trái từ đường Võ Chí Công vào đường Nguyễn Thị Định và cuối tháng 6/2018 thông xe cầu vượt trên đường Vành đai 2. Đây là hai công trình “trọng điểm” của Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1, giúp giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông ra khu vực ra vào cảng Cát Lái. 

Cũng trong nỗ lực đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics, Thành phố đang triển khai Dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức BOT đường thủy (xây mới cầu đường sắt Bình Lợi và nạo vét luồng sông Sài Gòn), dự kiến hoàn thành năm 2019. Sau khi hoàn thành, sẽ hỗ trợ khai thác hiệu quả tuyến sông Sài Gòn từ trung tâm Thành phố đi Củ Chi và Bình Dương đạt cấp 2 đường thủy nội địa, từ đó sẽ góp phần phát triển hệ thống cảng cạn ICD các khu vực trên, góp phần giảm tải phương tiện vận tải hàng hóa bằng đường bộ. 

Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải, Thành phố đang nghiên cứu tuyến đường thủy qua Sông Tắc (nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai); chủ trương đầu tư nạo vét tuyến rạch Ông Nhiêu nối cảng Cát Lái đến Khu Công nghệ cao. Khi hoàn thành, tuyến này sẽ vận chuyển hàng hóa qua cảng Cát Lái, giúp chia sẻ các tuyến đường bộ phía Đông Thành phố. Bên cạnh đó, để tập trung đầu tư hệ thống cảng biển tại khu vực Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) với tổng diện tích 384ha thành khu cảng tiềm năng trong tương lai, Thành phố phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lập quy hoạch hệ thống kho cảng cạn khu vực Tp. Hồ Chí Minh và lân cận, từ đó làm cơ sở phát triển hệ thống ICD kết nối hàng hóa đến các cảng biển. 

UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đầu tư các tuyến cao tốc đường bộ đối ngoại, kết nối giao thông giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng như tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Chơn Thành,... để kết nối cụm cảng phía Đông (Phú Hữu, Tân Cảng, ITC) với các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh; sớm triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống cảng cạn ICD theo quy hoạch dọc tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ để phục vụ di dời các cảng nội địa trong địa bàn Thành phố. 

Với những giải pháp tích cực cả về hệ thống giao thông thủy, bộ lẫn hệ thống kho bãi, cảng biển, Tp. Hồ Chí Minh hy vọng, trong thời gian tới, dịch vụ logistics sẽ có những bước tăng trưởng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế-thương mại của Thành phố cũng như sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục