Tp. Hồ Chí Minh với động lực phát triển mới - Bài 1: Xác định các nguồn lực trọng tâm

17:39' - 27/02/2020
BNEWS Nền kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, thậm chí một số lĩnh vực có dấu hiệu suy giảm như công nghiệp, bất động sản…
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN
Tp. Hồ Chí Minh luôn được xem là địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, năng suất lao động gấp 3 lần cả nước, cùng với đó quy mô về phát triển dịch vụ, công nghiệp, thương mại xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, nền kinh tế thành phố đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, thậm chí một số lĩnh vực có dấu hiệu suy giảm như công nghiệp, bất động sản… Tp. Hồ Chí Minh hiện đang nỗ lực phát huy hiệu quả nguồn lực sẵn có song song với tìm kiếm các động lực phát triển mới.

Bài 1: Xác định các nguồn lực trọng tâm

Từ thực tiễn phát triển cùng với những tác động của tình hình trong nước và thế giới thời gian qua đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển mới đối với Tp.Hồ Chí Minh. Để có cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch, chương trình trong thời gian tới, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang xác định lại các nguồn lực trọng tâm và triển khai xây dựng nhiều chương trình đột phá cụ thể.

Xác định các nguồn lực quan trọng

Trong cuộc gặp gỡ đầu năm 2020 vừa qua với báo chí, khi đề cập đến những nguồn lực phát triển của thành phố trong nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã và đang rà soát lại các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn tới. Theo đó, thành phố xác định có các yếu tố, nguồn lực quan trọng.

Đầu tiên, là nguồn lực về con người với nguồn lao động đông, có trình độ cao, kế thừa được truyền thống năng động, sáng tạo, có văn hóa. Thứ hai là nguồn lực về đất đai theo hướng sử dụng có hiệu quả diện tích đất hiện có cũng như dành thêm đất cho công nghiệp, dịch vụ, giao thông.

Về nguồn lực về tài chính, thu hút đầu tư, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hình thành trung tâm tài chính của cả nước tại thành phố. Thành phố tập trung tích lũy cơ sở hạ tầng, tài sản nông nghiệp, khả năng nghiên cứu và dịch vụ, đây là cơ sở để môi trường thu hút đầu tư thuận lợi.

Về thúc đẩy hợp tác với các địa phương trong nước và nước ngoài; trong đó, việc hợp tác với các tỉnh thành Đông và Tây Nam Bộ, thành phố thực hiện với tinh thần đôi bên cùng có lợi, đồng thời hợp tác với nước ngoài, đặc biệt chọn các đối tác chiến lược của thành phố trên cơ sở lựa chọn các đối tác chiến lược với Việt Nam tin cậy về chính trị, hiểu nhau về công việc.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây là những nguồn lực đã có sẵn, bây giờ thành phố nhận thức lại để phục vụ cho nhu cầu phát triển. Cùng với đó, thành phố cũng xác định thêm các động lực về kinh tế, động lực về chính trị, qua đó từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn, xác định các chương trình, giải pháp để thúc đẩy thành phố phát triển.

Để huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, Tp. Hồ Chí Minh sẽ rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, làm cơ sở uy hoạch hạ tầng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và logistics.

Thành phố xây dựng lộ trình để chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2020 -2030; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong 7 lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho thành phố. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công để phát huy nguồn vốn xã hội, thu hút FDI để giải quyết vấn đề tài chính phát triển đô thị.

Ngoài ra, thành phố huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực tài chính trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển thành phố; tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; đồng thời, tích cực giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất – kinh doanh đẩy mạnh hoạt động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Cùng với đó, Tp. Hồ Chí Minh phát triển đồng bộ các thị trường phục vụ phát triển kinh tế, nhất là cải thiện môi trường đầu tư làm nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5  khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để đáp ứng  yêu cầu phát triển của thành phố.

Thông qua hoạt động của các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế để nâng cao hiệu lực quản lý  của Nhà nước định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho sản xuất kinh doanh trên các thị trường; tăng tính chủ động trong kinh doanh của các tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp.

Thành phố cũng phát triển kinh tế với nhiều loại hình sản xuất -kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh việc  sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn; bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phát triển dịch vụ hỗ trợ, tăng cường thông tin và định hướng thị trường.

Xây dựng 4 chương trình đột phá

Về quan điểm và phương hướng phát triển thành phố trong nhiệm kỳ 2020- 2025, Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã xác định, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, thành phố phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực, thực hiện tăng trưởng xanh.

Trong ảnh: Thảm bê tông nhựa đường mở rộng Quốc lộ 22 để thi công các đốt hầm còn lại của nhánh N2. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh tập trung phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng các hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số với hệ thống thông tin di động 5G; đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa các bên trên các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Để cụ thể hóa phương hướng này, Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh xác định, đề ra 4 chương trình phát triển thành phố trong giai đoạn 2020 – 2025/2030. Đó là chương trình đột phá đổi mới quản lý Tp. Hồ Chí Minh với có 12 đề án, chương trình nhỏ; Chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố gồm 12 chương trình, dự án quy hoạch; Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa thành phố với 10 đề án; Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố có 10 đề án, chương trình.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, các chương trình, mục tiêu cho giai đoạn này vừa có yếu tố kế thừa truyền thống, các nhiệm kỳ trước, vừa xuất phát từ thực tiễn của thành phố và xu thế phát triển của đất nước, quốc tế hiện nay./.

>>> Bài 2: Xây dựng điều kiện phát triển bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục