Tp. Hồ Chí Minh tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

16:35' - 17/10/2019
BNEWS Mức độ tăng trưởng xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh đạt tiệm cận với mức tăng trưởng chung của cả nước và thế giới.

Xác định vị thế hàng hóa xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh trên thị trường thế giới để tìm ra định hướng, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới là nội dung chính được các đại biểu, chuyên gia thảo luận tại Hội nghị chuyên đề tình hình đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/10.

* Dấu hiệu chững lại

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu liên tục tăng trưởng và là lĩnh vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển chung của kinh tế thành phố. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 38,1 tỷ USD, riêng 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 30,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cung kỳ năm 2018.

Dự kiến, cả năm 2019 những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch lớn là máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỷ USD; dệt may 4,2 tỷ USD; giày dép 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ ước đạt 1,6 tỷ USD.

Ngoài ra, nhóm mặt hàng gạo, thủy - hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và các loại phụ tùng…, cũng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm.

Tuy hoạt động xuất khẩu tiếp tục phát triển nhưng qua số liệu thống kê cho thấy đã có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng trong gần 10 năm trở lại đây ở mức không cao, dưới 10%/năm; cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch và chịu sự tác động mạnh từ diễn biến kinh tế thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phân tích, mức độ tăng trưởng xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh đạt tiệm cận với mức tăng trưởng chung của cả nước và thế giới.

Điều này cho thấy thành phố đã hội nhập sâu và tương thích với xu hướng chung. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ngày càng giảm. Từ chỗ chiếm trên 50% thì đến nay chỉ còn 16% do sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương khác như Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Vấn đề của Tp. Hồ Chí Minh hiện nay là làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Tp. Hồ Chí Minh thì tốc độ tăng trưởng của nhóm sản phẩm máy vi tính linh kiện điện tử, dệt may, da giày, máy móc thiết bị đều có dấu hiệu chững. Chỉ có gạo, thuỷ hải sản tăng trưởng khá, rau củ quả đạt tăng trưởng tốt.

Về thị trường, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng khu vực EU, hàng hóa Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng chủ yếu đi qua hai cửa ngõ là Đức và Hà Lan với kim ngạch còn khá khiêm tốn.

Điều đó chứng tỏ hoạt động xuất khẩu đang tập trung vào một nhóm thị trường truyền thống mà chưa khai thác được những thị trường mới nhiều tiềm năng.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp tham dự Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Công Khải - Viện trưởng Viện Chính sách Công, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh nhận định, thành phố đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp.

Hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường nhưng thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế so sánh.

* Phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu

Theo phân tích của các chuyên gia, Tp. Hồ Chí Minh có vai trò chiến lược để tổ chức hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu nhưng không phải là nơi tập trung vùng nguyên liệu hay sản xuất.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả, Tp. Hồ Chí Minh cần chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...); đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa thành phố và các tỉnh, thành phía Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu là tất yếu nhưng khó có thể thực hiện ngay. Vì vậy, thành phố cần cân đối hài hòa giữa mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm với giữ vững và tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và đảm bảo thu ngân sách.

Cụ thể, trong ngắn hạn, Tp. Hồ Chí Minh vẫn phải tập trung phát triển nhóm sản phẩm truyền thống như máy vi tính, linh kiện điện tử, dệt may, da giày, nông lâm thuỷ hải sản để giữ vững kim ngạch xuất khẩu.

Cùng đó, tích cực thu hút đầu tư vào nhóm sản phẩm có công nghệ, hàm lượng giá trị gia tăng cao. Về lâu dài, thành phố cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như tài chính – ngân hàng, logistics, hoạt động xúc tiến thương mại và hướng tới xuất khẩu dịch vụ.

Tiến sĩ Đinh Thế Khải nhận xét, với lợi thế về vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng, nhân lực, Tp. Hồ Chí Minh phải định hướng chiến lược tham gia vào các công đoạn thượng nguồn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, thành phố cần chuẩn bị điều kiện để nâng cấp công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyên môn hóa hoạt động xuất khẩu.

Để duy trì vai trò đầu tàu, dẫn dắt cho hoạt động xuất khẩu của cả nước, Tp. Hồ Chí Minh phải hình thành được hệ sinh thái xuất khẩu với các dịch vụ nền như logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và xúc tiến thương mại.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để phát huy những lợi thế sẵn có và khẳng định vai trò đầu tàu trong họat động xuất khẩu, Tp. Hồ Chí Minh cần xác định đúng sản phẩm trọng tâm, cụ thể là nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Mặt khác, phải đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại từ cấp quốc gia, thành phố đến quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.

Tp. Hồ Chí Minh không chỉ xuất khẩu hàng hóa sản xuất trên địa bàn mà còn là cửa ngõ lưu thông hàng hóa của các tỉnh, thành khác ra khu vực và thế giới. Do đó, thành phố cần thiết lập mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các địa phương cũng như giữa doanh nghiệp với nhau để tạo sự cộng hưởng về hiệu quả sản xuất – xuất khẩu cho toàn vùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục