Tp Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,3 - 8,5%

08:07' - 17/01/2020
BNEWS Tp Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chỉ tiêu cả nhiệm kỳ; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố đạt 8,3 - 8,5%.
Hàng hóa trong cảng Cát Lái, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chỉ tiêu cả nhiệm kỳ; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 8,3 - 8,5%, cả nhiệm kỳ đạt từ 8-8,5%.

Đây là mục tiêu trọng tâm được xác định trong Chỉ thỉ thị về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2020 của thành phố “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, xây dựng hình mẫu con người Thành phố Hồ Chí Minh yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong hiện tại và tương lai; phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

Để thực thiện chủ đề này, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng, đầu tư và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố, nâng cao hiệu quả hoạt động các bảo tàng; trùng tu, tôn tạo các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố.

Đặc biệt là Địa đạo Củ Chi nhằm phục vụ công tác đề nghị công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới; triển khai xây dựng các công trình văn hóa gồm Nhà hát nhạc giao hưởng và vũ kịch, Rạp xiếc, Trung tâm biểu diễn văn hóa đa năng, Nhà hát nghệ thuật truyền thống,…

Phát triển văn hóa đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động các thư viện, đường sách. Đồng thời, thành phố tổ chức đối thoại văn hóa, các hội thảo về phát triển văn hóa, công bố danh mục các sự kiện văn hóa hàng năm của thành phố, nghiên cứu chọn và tổ chức Ngày hội Thành phố Hồ Chí Minh...

Trong lĩnh vực kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, mở rộng quy mô, tập trung phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Nhất là vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch, công nghệ số, khoa học tính toán và dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Mặt khác, thành phố xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch; phấn đấu thành lập mới 44.000 doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong quý I/2020, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn của thành phố (có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên), để từng bước hình thành các tập đoàn có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Trong năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và các Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, tạo động lực để thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố triển khai Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021 sau đại hội; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; sắp xếp lại, xử lý tài sản công bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, đúng mục đích sử dụng được Nhà nước giao; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, thành phố rà soát hiệu quả các dự án có sử dụng đất công, đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị.

Trong lĩnh vực thu chi ngân sách, thành phố thực hiện các biện pháp để quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách ở các cấp, ngành.

Về công tác quản lý đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị, di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; phát triển hạ tầng cấp nước, thoát nước, giao thông công cộng đồng bộ với phát triển nhà ở.

Xử lý triệt để các dự án chậm triển khai, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và tổ chức thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; đẩy nhanh thủ tục đối với các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư để huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố.

Đồng thời, thành phố tập trung giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật kết hợp đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, tác động thay đổi hành vi về chấp hành an toàn giao thông đến người dân thành phố; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, phát triển các tuyến xe buýt phù hợp nhu cầu đi lại của người dân.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử theo hướng hiện đại, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; quan tâm đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Tăng cường triển khai các hoạt động ngoại giao hiệu quả và thiết thực, chuẩn bị tốt cho việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã và sẽ ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu; phối hợp với các bộ ngành Trung ương và địa phương tổ chức chu đáo, thành công các sự kiện nhân dịp Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục