Tp. Hồ Chí Minh họp khẩn ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

21:59' - 09/05/2019
BNEWS Ngày 9/5, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có buổi họp khẩn với các đơn vị liên quan để triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, vừa được phát hiện ở Đồng Nai, ngày 9/5, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có buổi họp khẩn với các đơn vị liên quan để triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn.

* Mối nguy dịch xâm nhập cận kề

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh, qua kiểm tra trên địa bàn thành phố hiện chưa phát hiện đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, việc 2 huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom của Đồng Nai vừa phát hiện dịch tả lợn châu Phi đang dấy lên mối nguy lớn dịch này sẽ xâm nhập vào Tp. Hồ Chí Minh.

Bởi lẽ, Tp. Hồ Chí Minh hiện là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất ở khu vực Nam Bộ, có khoảng 12 tỉnh cung cấp nguồn lợn vào thành phố giết mổ;  trong đó, nguồn lợn từ Đồng Nai chiếm đến 45-50%.

Việc 2 huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom của Đồng Nai vừa phát hiện dịch tả lợn châu Phi đang dấy lên mối nguy lớn dịch này sẽ xâm nhập vào Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, hiện có sự chênh lệch giá lợn giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và các tỉnh phía Nam. Do đó, mỗi ngày bình quân có khoảng 3.500-4.000 con lợn được vận chuyển từ phía Bắc quá cảnh qua địa bàn thành phố vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình dịch chuyển nguồn lợn này sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Bắc vào Nam.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nguồn gia súc nhập về thành phố đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát chặt chẽ. Các trường hợp nhập lợn từ các tỉnh phía Bắc vào đều được lấy mẫu giám sát dịch bệnh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn lợn nhập về các cơ sở giết mổ tại các tỉnh giết mổ đưa về các chợ đầu mối. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh thành cũng như sở, ngành liên quan, nhất là khi dịch bệnh xảy ra diện rộng tại các tỉnh miền Đông hoặc Tây Nam Bộ.

Theo ông Phát, một trong những khó khăn khác trong việc giám sát dịch bệnh này hiện nay là ở các chợ truyền thống hiện nay do UBND quận, huyện quản lý chưa kiểm soát chặt chẽ được nguồn gốc sản phẩm thịt lợn nhập vào các chợ. Khi dịch bệnh lan rộng có nguy cơ sẽ gia tăng việc giết mổ, vận chuyển thịt lợn không nguồn gốc, giết mổ lợn bệnh từ các tỉnh trốn tránh kiểm dịch đưa vào các chợ.

Mặt khác, một số địa bàn vẫn còn tình trạng giết mỗ lợn trái phép hoạt động, đặc biệt là Quận Gò Vấp, Quận 12, Bình Tân. Đây là nguy cơ phát sinh dịch bệnh do các hộ tiếp nhận nguồn lợn không qua kiểm dịch, cung cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát...

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cũng cho biết, hiện thành phố có khoảng 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 274.000 con; trong đó, có 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn. Điều này cũng là mối nguy cao đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra trên địa bàn.

* Đồng bộ nhiều giải pháp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi, tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố cần nhanh chóng chuyển qua vận hành theo tình huống thứ 2 trong việc chủ động ứng phó khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở tỉnh giáp ranh.

Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bố trí chốt chặn các tuyến đường giáp ranh với thành phố, kiểm soát chặt việc giết mổ trái phép.

“Từ nay, quận huyện nào để xảy ra giết mổ trái phép cần xem lại trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý địa bàn, khi làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và những người làm ăn chân chính. Thành phố sẽ có văn bản phê bình đối với những địa phương này”, ông Liêm nói.

Ông Liêm cũng lưu ý các Sở, ngành liên quan cần chú ý giám sát chặt chẽ cả 2 nguồn thịt từ các tỉnh vào thành phố và từ đàn lợn của các hộ ở các huyện và quận ngoại thành. Các quận huyện có các hộ dân nuôi lợn bằng thức ăn thừa tăng cường vận động các hộ không tái đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp để giảm rủi ro cho chính người chăn nuôi.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra lấy mẫu ở các hộ nuôi lợn sử dụng thức ăn dư thừa để khi phát hiện dịch cần có biện pháp xử lý kịp thời.

Để chủ động ứng phó dịch bệnh, UBND Tp. Hồ Chí Minh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố làm đầu mối phối hợp lực lượng thanh niên xung phong, tập huấn nghiệp vụ xử lý dịch bệnh cho 50 nhân sự để chi viện cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong trường hợp xấu nhất là dịch xảy ra trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai, ngày 2/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp.Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai thống nhất một số biện pháp phối hợp chống dịch.

Theo đó, hai bên thống nhất giám sát chặt chẽ nguồn lợn xuất về thành phố phải xuất phát từ khu vực không có dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch thể hiện nguồn gốc ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc 3 cấp xã, huyện, tỉnh.

Hai bên cũng thống nhất tuyến đường vận chuyển lợn xuất về thành phố giết mổ chỉ đi qua 2 tuyến đường là quốc lộ 1A và 1 K , trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp. Trừ các trường hợp xuất lợn về các tỉnh miền Tây Nam Bộ nếu chủ hàng có nhu cầu đi tuyến Cao tốc Long Thành Dầu Dây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch.

Không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch, tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng giáp sát có xuất nguồn thịt lợn về thành phố tiêu thụ.

Đại diện các huyện cũng cho biết, bên cạnh phối hợp Chi cục và Chăn nuôi Thú y giúp người nuôi phòng chống dịch bệnh, các địa phương còn chốt chặn 24/24 những điểm mới giáp ranh với các tỉnh như cầu Phú Cường, cầu Bến Súc ở huyện Củ Chi với Bình Dương, giữa Nhà bè với Long An...

Hiện Tp. Hồ Chí Minh đã ngưng nhập lợn từ 4 xã: Bình Minh, Đồi 61 (huyện Trảng Bom) và Phước Thiền, Hiệp Thành (huyện Nhơn Trạch) tỉnh Đồng Nai do tả lợn châu Phi./.

Xem thêm:

>>Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, ngành chế biến thịt Mỹ hưởng lợi

>>Hai điểm khó nhất khi xử lý dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục