Tp. Hồ Chí Minh: Có dự án kéo dài 18 năm chưa thực hiện

14:55' - 06/12/2018
BNEWS Thành phố có nhiều dự án quy hoạch treo, có những dự án kéo dài tới 18 năm chưa thực hiện. Vậy công tác rà soát quy hoạch đến đâu, có điều chỉnh hay không?

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 6/12, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng quy hoạch và triển khai dự án; nhiều dự án chậm tiến độ, thất thoát thu phí dừng, đỗ ô tô.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Hàng trăm dự án bị thu hồi

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thanh Trí cho rằng, thành phố có nhiều dự án quy hoạch treo, có những dự án kéo dài tới 18 năm chưa thực hiện. Vậy công tác rà soát quy hoạch đến đâu, có điều chỉnh hay không?

Cùng với đó, hiện nay, người dân còn thiếu thông tin quy hoạch, thậm chí không biết đất của mình nằm trong khu vực nào của khu quy hoạch hỗn hợp.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thành phố có dành một số khu chức năng quy hoạch là khu hỗn hợp (gồm cây xanh, công trình công cộng…) nhằm “mềm hóa” quy hoạch ở địa phương, tùy tình hình của địa phương có thể đầu tư phát triển phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch khu hỗn hợp chưa được chi tiết hóa.

Vì thế Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng các quận, huyện đang rà soát để có hướng xử lý, dự án nào bất cập sẽ tham mưu thành phố điều chỉnh, còn dự án nào hợp lý thì chi tiết hóa để người dân biết, để không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Dự kiến, đầu năm 2019 sẽ có kết quả rà soát tại một số khu vực.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, thành phố có khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do trong quá trình tổ chức thực hiện chậm.

HĐND thành phố cũng đã tổ chức giám sát và UBND thành phố rà soát lại trên 2.800 dự án; trong đó, có 600 dự án hoàn thành, còn hơn 1.500 dự án đang triển khai thực hiện.

Hiện nay, vướng mắc nhất trong triển khai các dự án là bồi thường, giá bồi thường. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã phân loại 3 nhóm giải pháp để tập trung giải quyết thu hồi đất.

Thứ nhất, các dự án có thu hồi đất phải bồi thường trước ngày 1/7/2014, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 3.928 trường hợp phải tập trung để giải quyết.

Vừa rồi, UBND thành phố đã chỉ đạo 4 nhóm giải pháp để thực hiện cho các trường hợp này; trong đó, có việc cân đối bổ sung quỹ nhà, quỹ đất tái định cư, vận động người dân và tìm thêm cơ chế hỗ trợ.

Thứ hai là các nhóm dự án từ ngày 1/7/2014 - 15/5/2015, thành phố đã có quyết định bồi thường, hiện còn khoảng 50 dự án tiếp tục thực hiện.

Thứ ba là nhóm dự án có thu hồi đất để thực hiện theo quy định và chính sách mới với 214 dự án, hơn 5.500 hộ dân bị ảnh hưởng, thành phố mong người dân ủng hộ để tổ chức thu hồi và bồi thường cho các dự án này.

Chấn chỉnh thu phí dừng, đỗ ô tô

Giải trình về vấn đề trợ giá xe buýt, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho hay, Sở Giao thông Vận tải cam kết sẽ tập trung quản lý chặt chẽ, tìm kiếm thêm nguồn kinh phí bên cạnh ngân sách thành phố trợ giá.

Sắp tới, Sở sẽ làm lại công thức định giá tiền trợ giá xe buýt, có bộ công cụ đánh giá hiệu quả xe buýt, xin ý kiến các sở, ngành trước khi trình UBND.

Về vấn đề thu phí ô tô dừng, đỗ, ông Bùi Xuân Cường cho biết, hiện nay, thành phố đang sử dụng và hoàn toàn yên tâm với công nghệ thu phí thông qua tin nhắn, truy cập thanh toán.

Mô hình tổ chức thu phí của thành phố vẫn giao cho UBND các quận huyện và xã hội hoá thông qua các đội quản lý trật tự đô thị, nhân viên đi thu trực tiếp.

“Qua hệ thống camera giám sát, phát hiện nhiều ô tô dừng, đỗ ở các khu vực có thu phí nhưng lại không đóng tiền. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về UBND quận huyện, phường xã nơi tổ chức khu vực dừng đỗ xe có thu phí. Hiện nay, Sở đang tính toán phương án xử phạt nguội qua hình ảnh nhưng phải hoàn thiện cơ sở pháp lý”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường nói.

Trong khi đó, nói về tiến độ dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, ông Bùi Xuân Cường thông tin, dự án đã triển khai giai đoạn 1, hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, do Ngân hàng Thế giới dừng cung cấp nguồn vốn nên thành phố đang tìm nguồn tiền đầu tư.

Trong thời gian đó, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố tăng cường quản lý ranh thực địa, cảnh báo lưu thông an toàn cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục