Tổng thống Pháp kêu gọi dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với Qatar

21:29' - 17/09/2017
BNEWS Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa lên tiếng kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận do Saudi Arabia dẫn đầu áp đặt từ đầu tháng 6/2017 đối với Qatar.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. AFP/TTXVN

Một tuyên bố ngày 15/9 của Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết sau cuộc gặp với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani, ông Macron nói rằng cần phải "dỡ bỏ càng sớm càng tốt các biện pháp cấm vận đang gây ảnh hưởng tới người dân Qatar, nhất là những gia đình và sinh viên".

Trong tuyên bố, ông Macron "bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đe dọa sự bình ổn của khu vực, hủy hoại giải pháp chính trị cho các cuộc khủng hoảng và cuộc chiến chung chống lại khủng bố".
Trước khi đến Paris, Quốc vương Qatar đã dừng chân tại Berlin và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel cũng bày tỏ quan điểm cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay chỉ có thể giải quyết qua con đường ngoại giao và kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt.

Cả Pháp và Đức đều ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của Kuwait, một nhà trung gian đàm phán quan trọng của cuộc khủng hoảng này bên cạnh Mỹ.

Tin tức nói rằng hành động tẩy chay của nhóm các nước Arab do Saudi Arabia dẫn đầu liên quan đến căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh trong thời gian gần đây đã gây tổn thất về kinh tế cho tất cả các nước có liên quan, trong đó Bahrain và Qatar là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đây là đánh giá của Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody (MIS) - cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế trong một báo cáo công bố tuần qua.

Theo báo cáo của MIS, cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giờ đây đã khiến "bức tranh" tín dụng của toàn bộ sáu nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar, chuyển sang “gam màu tối”.

Báo cáo nêu rõ kể từ ngày 5/6 - thời điểm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và sau đó áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Qatar vì cho rằng nước này hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan, Doha chịu tổn thất lớn về kinh tế, tài chính và xã hội liên quan đến các lệnh cấm đi lại và giao thương, cụ thể trong lĩnh vực thương mại, du lịch và ngân hàng.

Theo ghi nhận của Moody, trong tháng Sáu và 7/2017, đã có 30 tỷ USD dòng tiền vốn trong khu vực được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng Qatar. Ước tính, Qatar đã chi 38,5 tỷ USD, tương ứng 23% GDP, để hỗ trợ nền kinh tế trong hai tháng đầu tiên bị cô lập.
Ngày 5/6, Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE (Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất) cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời cáo buộc Doha hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn trong khu vực Trung Đông.

Để tiếp tục gây áp lực đối với Qatar, Saudi Arabia phong tỏa hoàn toàn tuyến đường bộ với nước này. Nhóm bốn nước kể trên đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.

Doha đã thẳng thừng từ chối, cho rằng những yêu cầu này là "phi thực tế, không hợp lý và không thể chấp nhận được". Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani khẳng định đây là hành động rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế, song cho biết nước này sẵn sàng tham gia đàm phán để tìm ra giải pháp làm hài lòng tất cả các bên.

>>>Qatar và Trung Quốc hợp tác du lịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục