Tổng thống Mỹ bức xúc việc Ấn Độ áp thuế cao với xe Harley Davidson

16:20' - 11/06/2019
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự bức xúc trước mức thuế cao của Ấn Độ đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu, cụ thể với sản phẩm xe môtô Harley Davidson.
Biểu tượng Harley Davidson ở Paris (Pháp). Ảnh: reuters

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bày tỏ sự bức xúc trước mức thuế cao của Ấn Độ đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu, cụ thể với sản phẩm xe môtô Harley Davidson.

Trả lời phỏng vấn hãng CBS ngày 10/6, ông Trump chỉ trích mức thuế cao tới 100% mà Ấn Độ áp dụng đối với sản phẩm xe mô tô của Harley Davidson.

Ông cho biết, mặc dù Ấn Độ mới đây đã giảm mức thuế này còn 50%, song theo ông, mức thuế vẫn ở mức cao không thế chấp nhận. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết Washington và New Delhi cùng đang làm việc về vấn đề này.

Tổng thống Trump một lần nữa tái khẳng định quyết tâm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ theo đúng khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên".

Ông đã ví nước Mỹ như "một ngân hàng" mà các đối tác đều muốn lấy tiền, và điều đó đã diễn ra trong một thời gian dài với hậu quả là Mỹ đang phải chịu mức thâm hụt thương mại lên tới 800 tỷ USD với các nước khác, trong đó mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lớn nhất.

Chính vì lí do này, Washington đã áp dụng chính sách tăng thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu với mục đích cân bằng cán cân thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giời.

Việc 2 nước liên tiếp tăng thuế trả đũa lẫn nhau đã khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước trở nên trầm trọng hơn.

Trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị 250 tỷ USD của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hành hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 170 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal đã kêu gọi xoa dịu căng thẳng thương mại toàn cầu và khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc.

Theo mạng IANS, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về thương mại và kinh tế số cuối tuần qua ở thành phố Tsukuba, Nhật Bản, ông Goyal cho rằng sự suy giảm của thương mại và đầu tư toàn cầu là mối quan ngại nghiêm trọng đối với tất cả các bên, bởi điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, phát triển và tạo việc làm.

The ông, căng thẳng thương mại hiện nay đang tác động đến lòng tin của doanh nghiệp trên toàn cầu.

Ông Goyal cũng kêu gọi G20 dành ưu tiên tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở các quốc gia đang phát triển để trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục