Tổng cục Thủy lợi: Các công trình thủy lợi cần đầu tư mới gần hết

16:38' - 07/12/2019
BNEWS Tại Hội nghị “Đánh giá tổng thể công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi”,ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, đến nay các công trình thủy lợi cần đầu tư mới gần hết.
Hội nghị Đánh giá tình hình triển khai chính sách về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị “Đánh giá tổng thể công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức chiều 7/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, đến nay các công trình thủy lợi cần đầu tư mới gần hết.

Thời gian tới, ngành hướng tới tập trung khai thác hiệu quả các công trình đã được xây dựng sao cho an toàn, bền vững và phát huy tối đa năng lực thiết kế.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, Tổng cục sẽ chỉ đạo các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi ngoài quản lý, vận hành công trình đảm bảo phát huy hiệu quả phải tăng nguồn thu, đặc biệt là một số công trình chứa nước lớn ở miền Trung, Đông Nam bộ. Việc tăng nguồn thu từ các dịch vụ thủy lợi để hạn chế và hướng tới không cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Không những thế, các hệ thống này còn có thể hỗ trợ cho các hệ thống khác không có điều kiện thu các dịch vụ khác.

Tính đến năm 2019, cả nước có tổng số 100 đơn vị khai thác công trình thủy lợi vừa và lớn; trong đó, có 84 công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, 5 ban, 6 trung tâm và 5 chi cục thủy lợi làm nhiệm vụ quản lý và khai thác các công trình thuỷ lợi do nhà nước đầu tư xây dựng; có 16.800 tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Ngoài ra, còn có trên 900 cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình, Tổng cục Thủy lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi ngày càng được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế - xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

Cả nước có 4 công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt (Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng), 122 hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Trong vòng 10 năm qua, nhiều hệ thống công trình thủy lợi quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ODA, như: hồ chứa nước Bản Mồng, Sông Sào, Ngàn Trươi, Rào Đá, Đá Hàn, Nước Trong, Tân Mỹ…

Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương dần hoàn thiện; các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi ngày càng được củng cố, kiện toàn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi đã cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho thủy lợi ngày càng phát triển bền vững; trong đó, đặc biệt là Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Việc chuyển đổi cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi” là nội dung có tính chất quan trọng, đột phá của ngành thủy lợi. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi “phục vụ” sang “dịch vụ”; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi. Từ đó tiến tới, một số công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi sẽ không cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Ông Trần Quang Hùng, Quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cho biết, công ty vừa quản lý hồ đập, vừa quản lý kênh mương phục vụ sản xuất trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố trong khi nguồn lực tài chính để đầu tư cho quản lý, khai thác còn hạn hẹp.

Để nâng cao năng lực cũng như đứng trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đòi hỏi hệ thống công trình thủy lợi cần được đầu tư, vận hành đồng bộ.

Hiện, công ty đang đầu tư để nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ hệ thống; trong đó, chú trọng nâng cao an toàn hồ đập.

Công ty đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quản lý khai thác công trình thủy lợi, làm sao tiết kiệm được giá thành, hướng đến tự chủ cần thu và xây dựng phương án hợp lý để giảm ngân sách cấp bù, đầu tư vào chi phí quản lý, bảo trì, khấu hao vào tài sản cố định.

Tuy có hệ thống hạ tầng thủy lợi khá đầy đủ nhưng theo ông Nguyễn Hồng Khanh, tổ chức bộ máy khai thác công trình thủy lợi không thống nhất trên toàn quốc khiến việc ban hành, áp dụng chính sách trong khai thác gặp nhiều khó khăn.

Mô hình doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi chưa hoàn thiện ở một số tỉnh có công trình thủy lợi lớn, việc khai thác gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy hiệu quả công trình.

Ở một số địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi do chi cục thủy lợi đảm nhận. Điều này dẫn đến sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý, khai thác.

Ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, thời gian tới, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi quy định về cấp giấy phép khai thác nước mặt.

Các tỉnh, công ty khai thác công trình thủy lợi phân cấp, quản lý, khai thác công trình hiệu quả, đảm bảo an toàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục