Tokyo phát triển những trung tâm thương mại trong lòng đất

07:58' - 02/11/2019
BNEWS Tokyo là khu vực có hệ thống đường sắt đô thị rộng nhất và có lưu lượng hành khách đi lại lớn nhất trên thế giới, với khoảng 40 triệu lượt hành khách/ngày.

Tàu điện là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Tokyo. Vì vậy, đến với thành phố này, du khách có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các khu mua sắm đông đúc đều tập trung ở các khu vực xung quanh các ga tàu điện, nhất là những ga có mật độ hành khách đi lại lớn.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng nằm cách mặt đất hàng chục mét phía dưới những ga tàu điện đó vẫn còn những khu mua sắm cũng đông đúc không kém.
*Mảnh đất "màu mỡ" cho giới kinh doanh
Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT), vùng thủ đô Tokyo là khu vực có hệ thống đường sắt đô thị rộng nhất và có lưu lượng hành khách đi lại lớn nhất trên thế giới, với khoảng 40 triệu lượt hành khách/ngày.

Riêng thủ đô Tokyo hiện có 121 tuyến đường sắt do 30 công ty quản lý, trong đó 102 tuyến phục vụ cho khu vực Tokyo và 19 tuyến phục vụ cho vùng thủ đô Tokyo.

Cách mặt đất hàng chục mét phía dưới những ga tàu điện đó vẫn còn những khu mua sắm cũng đông đúc không kém. Ảnh: matcha-jp.com

Các tuyến đường sắt này kết nối 882 nhà ga trong nội đô, trong đó có 282 ga tàu điện ngầm và kết nối với hàng trăm nhà ga khác ở ba tỉnh lân cận.
Với số lượng hành khách qua lại mỗi ngày rất lớn, các khu vực trong và xung quanh nhà ga đã trở thành những mảnh đất “màu mỡ” cho giới kinh doanh. Và từ đây, hàng loạt khu mua sắm đã mọc lên, trong số này có không ít các khu mua sắm được xây dựng trong lòng đất.
Việc phát triển các khu mua sắm trong lòng đất ở Tokyo bắt đầu từ năm 1927 cùng với sự khai trương của tuyến tàu điện ngầm mà giờ đây có tên gọi Ginza Line của Công ty TNHH Tokyo Metro, nối ga Asakusa với ga Ueno.

Vào năm 1930, các cửa hàng đầu tiên trong lòng đất đã được khai trương ở khu vực ga Ueno.
Đến nay, theo thống kê của chính quyền thủ đô Tokyo, thành phố có 63.000 khu vực dưới lòng đất, với hệ thống tàu điện ngầm, đường đi bộ dưới lòng đất và các khu mua sắm. Chỉ tính riêng 8 khu mua sắm trong lòng đất lớn nhất ở Tokyo có tổng diện tích lên tới 214.000m2.
*Và mô hình kinh doanh trong ga
Mô hình kinh doanh trong ga (ekinaka) phát triển ở Tokyo cùng với sự xuất hiện của các ga tàu điện. Ý tưởng của những người phát triển mô hình kinh doanh này là xây dựng một hệ thống các cửa hàng tại các ga tàu điện, nơi có lưu lượng lớn hành khách qua lại mỗi ngày, nhằm giúp khách hàng không có nhiều thời gian mua sắm có thể mua được các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khi đi lại giữa các nhà ga.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của mô hình kinh doanh trong ga ở Tokyo chính là những lợi thế riêng có của các khu mua sắm này. Ngoài việc có lượng hành khách qua lại rất lớn mỗi ngày, các khu mua sắm trong ga có thể hoạt động tại mọi thời điểm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Đáng chú ý, tại đây, bạn không phải lo lắng về các vấn đề giao thông như tai nạn hay ùn tắc giao thông như trên mặt đất bởi không có phương tiện giao thông nào được phép hoạt động ở các khu vực này ngoại trừ tàu điện.
Bên cạnh đó, khách hàng không cần phải mang theo tiền mặt mà vẫn có thể mua sắm hàng hóa và dịch vụ tại các cửa hàng trong ga bằng cách sử dụng thẻ đi tàu để thanh toán.

Hiện nay, phần lớn các cửa hàng trong ga đều cho phép khách hàng thanh toán bằng các thẻ đi tàu như Pasmo, Suica hay Icoca.
Trước đây, khu mua sắm ở phía trong cửa soát vé tại các ga chủ yếu là các tiệm tạp hóa và quầy bán đồ ăn nhanh.

Vào đầu những năm 2000, các công ty tàu điện như Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) đã bắt đầu cho phép các cửa hàng bán sách báo, bánh kẹo hay cà phê hoạt động tại khu vực này.

Gần đây, danh sách các mặt hàng bán tại các ga tàu điện ngày càng mở rộng, từ mỹ phẩm cho đến hoa và đồ lưu niệm…

Mô hình kinh doanh trong ga (ekinaka) phát triển ở Tokyo cùng với sự xuất hiện của các ga tàu điện. Ảnh: nippon.com

Phía bên ngoài cửa soát vé thường là các trung tâm thương mại. Tại Tokyo, có rất nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn trong lòng đất kết nối trực tiếp với các ga tàu điện như First Avenue ở ga Tokyo, Ecute ở ga Shinagawa hay Keio Department Store ở ga Shinjuku.

*Lòng đất ngày càng chật chội
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tàu điện ngầm và các khu mua sắm trong lòng đất ở Tokyo khiến cho lòng đất của thành phố này ngày càng trở nên chật chội. Không ít chuyên gia đã bày tỏ sự quan ngại về khả năng xảy ra sự tắc nghẽn phía dưới các nhà ga trong tương lai.

Ông Taro Kasuya, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm không gian trong lòng đất đô thị của Nhật Bản, nói: “Rõ ràng, không gian trong lòng đất Tokyo đang trở nên đông đúc hơn”.
Chẳng hạn, với tuyến Ginza Line, tuyến tàu điện ngầm này được xây dựng ở gần mặt đất nhất nhờ lợi thế của “người đi đầu”. Khi nhu cầu đi lại bằng tàu điện ngầm ngày càng gia tăng, rất nhiều tuyến mới được xây dựng thêm, tuyến sau ngày càng thấp hơn so với tuyến trước.

Và kết quả là các ga tàu điện ngầm cũng ngày càng sâu hơn. Ga tàu điện ngầm sâu nhất trên tuyến Ginza là Nihombashi nằm cách mặt đất chỉ 10m, trong khi ga sâu nhất trên tuyến Toei Oedo – một tuyến tàu điện ngầm mới bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2000 - là Roppongi nằm ở độ sâu 42m so với mặt đất.
Mặc dù vậy, chuyên gia Kasuya vẫn lạc quan về khả năng khai thác không gian trong lòng đất ở Tokyo.

Ông nói chúng ta có thể xây dựng tháp Tokyo Skytree cao tới 634m trên mặt đất, trong khi trong lòng đất, chúng ta vẫn chưa sử dụng không gian ở độ sâu dưới 50m. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, vẫn còn dư địa cho việc sử dụng không gian trong lòng đất ở Tokyo.
Năm 2001, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật về việc sử dụng không gian cực sâu dưới mặt đất (hay những khu vực trong lòng đất cách mặt đất từ 40m trở lên).

Hiện nay, các nhà phát triển đang tìm cách xây dựng các hệ thống dịch vụ công như đường sá, tàu điện ngầm và hệ thống thoát nước có thể hoạt động ở độ sâu dưới 40m tại một số khu vực nhất định trong khu vực Kanto, Chubu và Kinki. Các khu vực như vậy được mô tả là “các không gian vô giá” trên trang web của MLIT.
Với việc hệ thống tàu điện ngầm mới ngày càng sâu hơn, các ga tàu điện sẽ ngày càng cách mặt đất xa hơn. Và vì vậy, bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu trong tương lai, bạn phải đi thang máy xuống độ sâu dưới 40m để đi mua sắm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục