Tính toán của Mỹ trong “miếng bánh” năng lượng EU

06:30' - 14/10/2018
BNEWS Trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Nga sẽ không sớm được cải thiện, các dự án liên kết khí đốt của đôi bên bị đình trệ, Mỹ có những tính toán về việc từng bước thâm nhập vào thị trường năng lượng EU.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN phát 

Trong lĩnh vực này, Mỹ tập trung chủ yếu vào mặt hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ngay từ năm 2014, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc ủy quyền xuất khẩu LNG. 

Đến năm 2016, các chuyến hàng LNG đầu tiên của Mỹ đã cập cảng châu Á, châu Phi và châu Âu (chiếm khoảng 13% tổng sản lượng LNG của Mỹ). Sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi tham vọng biến nước Mỹ thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới với tổng giá trị ban đầu khoảng 5 tỷ USD.

Cho đến nay, LNG của Mỹ đã đến được hai thị trường lớn về năng lượng của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng châu Âu vẫn là thị trường mà ông Trump đang muốn hướng đến cả vì lợi ích kinh tế lẫn chính trị. 

Tháng 4/2016, chuyến tàu xuất khẩu LNG đầu tiên của Mỹ (tàu Creole Spirit) đã cập bến Bồ Đào Nha. Tháng 11/2016, khí đốt thiên nhiên (methane) nhập khẩu từ Mỹ cũng đã hòa vào mạng lưới cung cấp tại Italy. 

LNG nhập khẩu từ Mỹ qua đường biển được lưu trữ tại một kho cảng lớn tại thành phố Livorno, bờ biển phía Tây Italy. Tháng 7/2017, với nỗ lực tự giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, Ba Lan cũng đã nhập chuyến hàng LNG đầu tiên và coi đây như một phần của chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Ce.S.I (Italy) cho thấy rằng trong xu thế quan hệ EU-Nga chưa thể giảm bớt căng thẳng, LNG của Mỹ sẽ dần có ưu thế cạnh tranh đáng kể. 

Bản thân châu Âu cũng đang có nhu cầu đa dạng hóa các nhà cung cấp năng lượng cũng như danh mục các loại năng lượng nhập khẩu. Hiện tại, các nhà cung cấp như Na Uy, Algeria, Qatar và đặc biệt là Nga đang chia sẻ thị trường khí tự nhiên hóa lỏng tại châu Âu.

Thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng đã có, Nga hiện đang đảm bảo 35% nhu cầu khí đốt của EU, là nhà cung cấp lớn nhất về mặt hàng dầu mỏ. Có tới 13 nước thành viên EU phụ thuộc tới 75% nhu cầu khí đốt vào Nga. 

Chính vì vậy, việc tạo ra một đối trọng thông qua việc nắm một thị phần năng lượng với mặt hàng chiến lược như LNG sẽ giúp Mỹ tăng thêm ảnh hưởng đối với đồng minh bên kia Đại Tây Dương, đẩy lùi sự cạnh tranh của Nga và giải quyết các vấn đề nội trị, tăng uy tín của chính quyền Donald Trump.

Trọng điểm của chiến lược này là xây dựng hạ tầng đấu nối, hậu cần tại cảng biển Swnoujscie, thuộc biển Baltic với khoản đầu tư lên đến khoảng gần 1 tỷ USD, sẽ cho phép Ba Lan nhập khẩu tới 7,5 tỷ m3 LNG. 

Không hoàn toàn là một sự trùng hợp, Lithuania cũng đã ký hợp đồng đầu tiên nhập khẩu LNG từ Mỹ và công khai hợp đồng này như một động thái nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga (thông qua  hợp đồng giữa công ty nhà nước Lietuvos Dujų Tiekima và đối tác Cheniere Energy có trụ sở tại Texas).

Theo các đánh giá của Ce.S.I, có thể thấy cụ thể trong lĩnh vực năng lượng, Mỹ đang thu được nhiều lợi ích từ sự đối đầu giữa EU-Nga và giới tư bản năng lượng Mỹ đã không bỏ qua cơ hội quý báu này. Thay thế nhà cung cấp năng lượng, vốn là một mặt hàng chiến lược, từ Nga chuyển sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc các nước này nói riêng và EU nói chung sẽ tăng sự phụ thuộc vào Mỹ.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, thông qua cơ chế Đồng minh xuyên Đại Tây dương, Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho châu Âu. Và với xu hướng này, không loại trừ kịch bản Mỹ xuất hiện với vai trò đảm bảo cả an ninh năng lượng trong tương lai cho châu Âu. Với vũ khí là năng lượng, Mỹ có thêm công cụ trong cuộc đối đầu địa chính trị và kinh tế địa lý với Nga; đồng thời, có ý đồ hướng đến việc chi phối nhiều hơn các chính sách của châu Âu.

Tuy nhiên, những tính toán cụ thể từ các chuyên gia năng lượng lại cho thấy, trong một tương lai gần, mặt hàng LNG của Mỹ chưa thể sớm trở thành yếu tố có khả năng phá vỡ sự cân bằng của thị trường năng lượng của EU. 

Yếu tố được đặt ra đầu tiên là giá cả. Chi phí khai thác khí đá tại Mỹ vẫn còn quá cao để tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, nếu chỉ tính riêng mặt hàng LNG, các nhà phân tích đều dự đoán một kịch bản dư cung trên thị trường trong thập kỷ tới.

Đặt trong những điều kiện này của thị trường, LNG của Mỹ sẽ rất khó khăn để tìm các đầu ra bền vững nếu không có các ưu đãi về kinh tế hay thỏa thuận chính trị. Một khó khăn khác là vấn đề hạ tầng cơ sở, việc mua bán LNG đòi hỏi cả bên xuất khẩu và nhập khẩu đều phải đầu tư lớn cho hệ thống hạ tầng, công nghệ. 

Các khoản đầu tư này không thể được hoàn vốn kể cả khi sản lượng LNG tăng cao vì giá của LNG vẫn bị giá dầu truyền thống chi phối. 

Sự xuất hiện của mặt hàng khí đốt tự nhiên của Mỹ ở châu Âu có thể là một yếu tố đáng đề cập trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu, đặc biệt là vấn đề cung cấp năng lượng giữa Nga-EU từ nhiều năm qua. 

Thông qua việc cung cấp năng lượng LNG, Mỹ đã được khẳng định vai trò trong trận đấu năng lượng giữa châu Âu và Nga. Điều này diễn ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) cam kết hạn chế ảnh hưởng của Nga thông qua các quy tắc về phát triển cơ sở hạ tầng và quy định nhập khẩu; còn phía Mỹ đang cố gắng củng cố vai trò chi phối của mình đối với thị trường châu Âu.

 Gần đây, Mỹ đã có những động thái nhằm tác động tiêu cực vào các dự án năng lượng kết nối giữa châu Âu và Nga. Washington tìm mọi cách để củng cố vị trí của mình trong danh sách các nhà cung cấp năng lượng có tính chi phối cho EU và coi đây là một phần trong chiến lược duy trì ảnh hưởng, tác động chính sách tại EU và đối đầu với Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục