Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Sợi chỉ vàng kết nối các dân tộc Việt

12:45' - 11/04/2019
BNEWS Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn trường tồn và luôn chiếm giữ một vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần dân tộc.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng thể hiện tâm thức và triết lý “con người có tổ có tông” của con người Việt Nam.

Đây là tín ngưỡng có từ xa xưa và đã trở thành một trong những thành tố tạo nên bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn trường tồn và luôn chiếm giữ một vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần dân tộc.
* Từ bản sắc văn hóa hun đúc tự ngàn xưa...
Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên nhà nước đầu tiên trong lịch sử, là tổ tiên chung của toàn dân tộc.
Việc thờ cúng Hùng Vương không chỉ là một hoạt động tâm linh đơn thuần như các hoạt động thờ cúng khác nhằm mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn của con người mà đó còn là hoạt động văn hóa mang tính chất cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam là tôn thờ, thành kính tổ tiên, từ thờ tổ tiên trong mỗi gia đình, thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, thờ cúng ông tổ của một làng xã tại các đình làng, miếu làng…
Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn tôn kính và tâm niệm các Vua Hùng là ông Tổ, lấy đó làm điểm tựa tinh thần, làm đức tin thiêng liêng vào uy linh tổ tiên để chiến thắng thiên tai, thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Từ thời Thục Phán dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh khi Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, thề hiện ý chí sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói, trông nom lăng miếu tổ tiên.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, hiện nay trên cả nước đã xây dựng 1.417 di tích thờ cúng các Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương; tổ chức Giỗ Tổ hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hoá độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Đồng thời, đây cũng là dịp quan trọng để chúng ta giới thiệu ra thế giới một di sản đã thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.
Ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ cho tỉnh Phú Thọ mà là cả dân tộc Việt Nam.
Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng Tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng quốc tế vừa thừa nhận sự tương đồng trong tín ngưỡng của các dân tộc trên thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy việc tôn trọng bản sắc của văn hóa người Việt.
*… Đến nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm là ngày lễ trọng đại, mang bản sắc văn hoá sâu sắc, độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Trong những ngày Giỗ Tổ, triệu triệu lượt đồng bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng dù ở nơi đâu vẫn hướng về đất Tổ, hoặc cùng hành hương về Đền Hùng để thành kính tri ân công đức các Vua Hùng, cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị và muôn dân được ấm no, hạnh phúc.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019, cho biết, Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt.

Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Vì vậy, nhiều năm qua việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ không chỉ đầu tư kinh phí, hỗ trợ trùng tu, tu bổ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mà còn quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích thờ Hùng Vương ở các xã vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cũng như trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Nhờ đó, đến nay, phần lớn các sinh hoạt tín ngưỡng gắn với việc thờ phụng các vua Hùng tại 13 huyện, thị, thành ở Phú Thọ đã được cộng đồng quan tâm, khôi phục cả về vật chất (cơ sở thờ tự) lẫn tinh thần.
Đối với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Ban Quản lý Khu Di tích quản lý trực tiếp và tham gia quá trình bảo tồn, trao truyền, thực hành di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và hướng dẫn tám xã vùng ven Khu Di tích.
Như vậy, sau hơn bảy năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay công tác bảo tồn đã được đông đảo tầng lớp nhân dân thực hành một cách tôn nghiêm, trang trọng; cộng đồng người Việt đã và đang được thực hành, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho di sản mãi mãi trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc.
Trong thời gian tới để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ tập trung tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng một cách sâu rộng đến đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế để mọi người hiểu hơn về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hiểu thêm truyền thống văn hóa của người Việt Nam; tiếp tục đầu tư, tôn tạo, tu bổ các nơi thờ tự Vua Hùng, vợ con các Vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương, đặc biệt là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - nơi hội tụ đỉnh cao và cũng là nơi mà nhân dân Việt Nam thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm cho người dân được tham gia nhiều hơn các hoạt động Giỗ Tổ, vì chính người dân mới là chủ thể, là người giữ gìn và lưu truyền, bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục