Tìm ra "nút thắt" trong phát triển ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh

18:51' - 29/08/2018
BNEWS Các chuyên gia nhận định điểm yếu hay nút thắt trong chính sách công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh không nằm ở cơ cấu mà nằm ở cốt lõi của năng lực cạnh tranh.

Chiều ngày 29/8, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Định vị danh mục sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu và định hướng hoạt động xuất khẩu thành phố giai đoạn 2017 – 2020 và những năm tiếp theo”.

Theo đó, các chuyên gia nhận định, cũng giống như cả nước, điểm yếu hay nút thắt trong chính sách công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh không nằm ở cơ cấu mà nằm ở cốt lõi của năng lực cạnh tranh.

Tìm ra "nút thắt" trong phát triển ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Vai trò cửa ngõ xuất khẩu

Cụ thể, năng lực cạnh tranh thấp thể hiện ở năng suất và tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, với sản phẩm công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh là gia công, sử dụng lao động đơn giản, với giá trị gia tăng thấp.

Song song đó, phân tích đại diện hai ngành công nghiệp quan trọng của thành phố là may mặc (ngành từng đóng vai trò đầu tàu trong phát triển công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh nhưng hiện đang suy giảm); còn ngành điện tử (ngành tuy chiếm tỷ trọng chưa cao nhưng đang tăng trưởng nhanh) đã phản ánh những điểm yếu của nền công nghiệp thành phố.

Nếu xét về đóng góp trong tăng trưởng xuất khẩu tại Tp. Hồ Chí Minh, có thể thấy vai trò nổi bật của nhóm ngành máy móc, điện tử chủ yếu là các sản phẩm bản in, màn hình các loại với sự hiện diện của Intel và Samsung.

Tp. Hồ Chí Minh đã luôn chứng minh được vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước với 12,5% tổng kim ngạch cả nước và 18,5% nếu tính cả lượng hàng hóa của các địa phương xuất khẩu qua địa bàn thành phố. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng này không đồng nghĩa với việc những kết quả thiết thực hơn về khả năng tạo việc làm, năng suất người lao động cũng như đóng góp về mặt ngân sách từ hoạt động xuất khẩu là tương xứng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nền kinh tế Việt Nam có độ mở và hội nhập rất lớn, đồng thời có hoạt động xuất khẩu có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh là một trong những cửa ngõ giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Chính vì vậy, việc định vị danh mục sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sẽ giúp Tp. Hồ Chí Minh thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và tăng giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Đồng thời, có những giải pháp hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, khuyến khích phát triển những mặt hàng phù hợp với thế mạnh của thành phố.

Bởi việc đánh giá thành công của tăng trưởng kinh tế nói chung hay hoạt động xuất khẩu nói riêng, nếu chỉ đánh giá dựa trên sự tăng trưởng về kim ngạch hay tỷ trọng đóng góp sẽ không thể cho một bức tranh thực chất.

Theo một số báo cáo khảo sát nghiên cứu cho thấy, Việt Nam hiện nay đã gần hết dư địa trong việc tăng trưởng theo chiều rộng mà thiếu vắng các nền tảng tăng trưởng theo chiều sâu. Trong đó, năng suất và sự dịch chuyển từ các ngành đơn giản sang các ngành có mức độ tinh vi là hai chiến lược quan trọng giúp tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Định vị sản phẩm tiêu biểu

Vấn đề chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng trưởng mức độ tinh vi và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm được Tp. Hồ Chí Minh nhận diện và thực hiện từ những năm 2000 với 4 ngành công nghiệp mũi nhọn và 9 nhóm ngành dịch vụ; hay gần đây là các chương trình chuyển dịch xuất khẩu giai đoạn 2008 – 2011 và giai đoạn 2011 – 2015.

Tuy nhiên, kết quả mang lại không đạt như kỳ vọng, trong bối cảnh này việc xác định lại các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của thành phố thông qua áp dụng phương pháp tiếp cận mới và phù hợp hơn là yêu cầu cấp thiết.

Tiến sĩ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách Công, thuộc trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt được các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, hay cụ thể là xác định các chương trình hành động hiệu quả cần đánh giá năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu hiện tại.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng cụm ngành hoặc trong cùng một chuỗi giá trị của sản phẩm xuất khẩu. Riêng các yếu tố như tác động và áp lực cạnh tranh từ các nước khác trong xu hướng hội nhập; cơ hội và tiềm năng cho những mặt hàng hay thị trường mới… cần được phân tích dựa trên những tiềm năng phát triển xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh.

Trong đó, nếu nhìn vào các sản phẩm đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất hiện nay cho thấy, thực trạng phát triển xuất khẩu theo chiều rộng. Đồng thời, duy trì các ngành hiện có sẽ có tính khả thi cao nhưng giá trị gia tăng và lợi ích cơ hội thấp.

Ngược lại, nếu nâng cấp cơ cấu ngành nghề xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh theo hướng đi xa hơn sẽ có giá trị gia tăng và lợi ích cơ hội cao, đòi hỏi cần đầu tư và chuẩn bị các nền tảng cơ sở phù hợp với sản phẩm.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho biết, với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp 100% xuất khẩu rất ít và đa số doanh nghiệp vẫn vừa ưu tiên thị trường nội địa vừa phát triển xuất khẩu.

Do đó, định vị danh mục sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu và định hướng hoạt động xuất khẩu cần đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng và không để dịch chuyển ra địa phương khác. Mặt khác, để có một sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của thành phố, cần đánh giá lợi thế cạnh tranh của sản phẩm đó qua các hội chợ, triển lãm xuất khẩu quốc tế trong khu vực và thế giới.

Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cần xác định rõ đây là danh mục sản phẩm xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh hay là sản phẩm xuất khẩu qua địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Riêng hàng hóa xuất khẩu phải bắt buộc gắn với các ngành công nghiệp, đồng thời thành phố sản xuất sản phẩm cụ thể hay làm danh mục những sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhất.

Trong bối cảnh hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh không nên chỉ phát triển địa phương mà cần định vị là trung tâm phát triển kinh tế vùng cũng như cửa ngõ giao thương, đầu tư, kinh tế… Từ đó, tạo nền tảng phát triển và định vị danh mục sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu và định hướng hoạt động xuất khẩu cho Tp. Hồ Chí Minh, trong đó có tính đến liên kết vùng./.

>>>Tp Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất một số điểm bán bánh Trung thu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục