Tìm giải pháp tránh ùn ứ khi dưa hấu vào vụ

18:55' - 28/12/2015
BNEWS Chiều 28/12, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Lạng Sơn cùng với đại diện các tỉnh, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị “Bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu màu vụ 2015/2016”.
Cảnh ùn ứ xe chở dưa hấu vẫn thường xảy ra ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh minh họa: Thái Thuần-TTXVN

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng dưa hấu mùa vụ 2015/2016, chiều 28/12 Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Lạng Sơn và đại diện các tỉnh sản xuất, tiêu thụ dưa hấu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dưa hấu tổ chức Hội nghị “Bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu màu vụ 2015/2016”. 

Theo bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), dưa hấu là loại nông sản ngắn ngày, dễ chuyển đổi nên thường được đưa vào trồng tăng vụ, xen kẽ với các loại nông sản khác, nên không xây dựng được quy hoạch vùng trồng, sản lượng thường không ổn định. Thời vụ trồng và thu hoạch dưa trên cả nước chia làm 3 vụ: Đông – Xuân; Xuân – Hè và Thu – Đông. 

Sản lượng hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 1 – 1,5 triệu tấn, tập trung ở Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Long An, Sóc Trăng; khu vực Nam Trung Bộ (sản lượng ước khoảng 300 – 350 nghìn tấn mỗi năm, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Tổng sản lượng dự kiến của mùa vụ 2015/2016 năm nay không biến động nhiều so với năm ngoái, trong đó riêng vụ Đông – Xuân này ước đạt 550 nghìn tấn. 

Hiện nay, dưa hấu tiêu thụ ở thị trường trong nước chiếm khoảng 80% tổng sản lượng, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó riêng xuất sang Trung Quốc chiếm đến 90% tổng sản lượng xuất, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Hoạt động xuất khẩu chủ yếu diễn ra vào cận Tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch, từ giữa tháng 3 đến trung tuần tháng 4 hàng năm. Giá bán dưa hấu hiện nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ đang dao động trong khoảng từ 5.500 – 6.000 đồng/kg. Với giá bán này, nông dân hiện đang có lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha. 

Tuy nhiên, bà Dương Phương Thảo cũng thừa nhận việc cứ vào vụ dưa hấu là lại có hiện tượng ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, có thời điểm ùn vài ngày. Dự kiến, sản lượng dưa hấu vụ 2015-2016 sẽ khoảng 1,5 triệu tấn (tương đương năm 2014). Tiêu thụ trong nước chỉ đảm bảo 80%, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc. Cùng đó, mỗi năm Trung Quốc nhập từ Việt Nam khoảng 200.000 tấn, tăng nhẹ từng năm. Tuy nhiên, năm nay 2015 đã giảm và Trung Quốc đang tăng thuê hàng trăm ha đất tại Lào, Campuchia để trồng dưa và có thể họ sẽ giảm nhập từ Việt Nam. 

Một trong những lý do tình trạng ùn ứ dưa hấu được Cục Xuất nhập khẩu đưa ra là do phía Trung Quốc chỉ cho tiếp nhận dưa hấu ở cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài, không cho tiếp nhận dưa hấu tại các cửa khẩu khác, trong khi bến bãi ở khu vực này chỉ đáp ứng vài trăm xe/ngày. Người Việt Nam lại chủ yếu bán không có hợp đồng, đưa sang biên giới mới tìm đối tác bán hàng. 

Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị, cần ưu tiên hỗ trợ các xưởng sơ chế, đóng gói để bảo quản dưa hấu; sớm xây dựng khu trung chuyển hàng nông sản xuất khẩu tại Lạng Sơn nhằm làm địa điểm tập kết khi lượng xe dồn về quá nhiều.

Tổng cục Hải quan cần chỉ đạo tập trung lực lượng để hỗ trợ Lạng Sơn cải tiến quy trình; rút ngắn thời gian thông quan tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đối với dưa hấu mùa vụ 2015-2016 cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp, trao đổi thông tin giữa Bộ, ngành, địa phương, giữa địa phương- nông dân- doanh nghiệp nhằm cân đối hiệu quả cung cầu dưa hấu trong nước, ngoài nước. Trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp về sản xuất, hạ tầng thương mại, lưu thông để đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu trong thời gian tới. 

Đại diện Sở Công thương Quảng Nam đề nghị đầu tư hạ tầng, tăng sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp. Cần tập trung quy hoạch ngay từ đầu; đưa doanh nghiệp và thương nhân đầu mối về để tập trung thu mua cho bà con. Bởi hiện tại, chủ yếu là thương lái mua nhỏ lẻ, manh mún, ép giá nông dân… 

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, Bộ Công Thương vừa cùng đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sang làm việc tại Trung Quốc. Phía Trung Quốc xác nhận nhu cầu rất lớn đối với rau quả, đặc biệt là dưa hấu. Nhưng vấn đề còn tồn đọng ở đây là trái cây và dưa hấu của Việt Nam chưa thâm nhập được sâu vào thị trường, mới mon men ở biên giới, nên ngoài việc giải bài toán trước mắt, thì còn định hướng lâu dài để thâm nhập thị trường.

Hơn nữa, Trung Quốc luôn tỏ ý sẵn sàng đàm phán và chia sẻ với Việt Nam về việc từng bước cân bằng nhập siêu. Do đó, Bộ Công Thương phải xúc tiến đàm phán mở thêm các điểm thông quan mới bởi rau quả tươi nếu chỉ qua Tân Thanh thì mở rộng mới cũng không vừa, ít nhất khu vực Lào Cai có thể mở được. 

Có thể thấy, mặt hàng dưa hấu mang tính thời vụ và rất dễ canh tác, trong khi nhu cầu của phía Trung Quốc rất lớn, cũng như đòi hỏi về quy cách phẩm chất cũng như phương thức mua bán không quá khắt khe. Thời gian qua, để tránh việc ùn tắc, liên bộ Công Thương-Nông nghiệp đã có nhiều văn bản hướng dẫn cũng như khuyến nghị cho các địa phương có biện pháp tổ chức sản xuất, canh tác cho phù hợp, theo hướng căn cứ vào nhu cầu thị trường để cân đối cho phù hợp, ngay cả thời điểm gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển cũng phải dựa trên thực tế của thông quan và yêu cầu của thị trường. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có khuyến nghị với Sở Công Thương các tỉnh hướng dẫn cho người nông dân để đảm bảo yêu cầu về phẩm chất, quy cách để tránh được lãng phí trong hoạt động thương mại với Trung Quốc. Quyết liệt hơn, bộ đã đề nghị tỉnh Lạng Sơn thành lập các tổ công tác liên ngành để tổ chức hoạt động thông quan dưa hấu nhằm tránh những bất ổn, đảm bảo hiệu quả chung.

Nhưng vẫn có một nguyên nhân là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của người nông dân vẫn không đáp ứng được yêu cầu và mang tính tự phát nhiều hơn. Do vậy, các sản phẩm nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng đưa đi tiêu thụ vẫn gặp phải ách tắc, quá tải. 

Bộ Công Thương cũng đang có nhiều biện pháp chấn chỉnh trong đó có việc cân đối giữa cung-cầu sản xuất và đặc biệt là cân đối giữa tiêu thụ nội địa với xuất khẩu, bởi trên thực tế thị trường nội địa cũng có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên do sự thiếu vắng của hệ thống các doanh nghiệp và hệ thống phân phối trên thị trường nội địa với cơ sở hạ tầng thì nó đã làm yếu và khả năng tiêu thụ nội địa chậm. 

Để đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016 Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đầu tiên phải nghiên cứu thị trường một cách đầy đủ hơn và cụ thể hơn, đặc biệt là khả năng tiêu thụ của thị trường đó và khả năng trong việc tiếp cận thị trường của nhóm sản phẩm đó. Việc nghiên cứu này phải tạo ra chuỗi xử lý liên tục về mặt thông tin, có nghĩa là nó phải đảm bảo phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp cũng như phần canh tác, thu hoạch và chế biến phục vụ xuất khẩu.Tiếp đến các cơ quan nhà nước phải nghiên cứu để có hướng mở thị trường mạnh mẽ hơn nữa để giúp cho các sản phẩm của chúng ta thông quan được và đẩy mạnh xuất khẩu. 

Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra mối liên kết giữa các địa phương với nhau. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu để xây dựng tiếp cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối và xuất khẩu kết nối chặt chẽ với các địa phương và khu vực sản xuất./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục