Tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển nhờ ứng dụng công nghệ

14:12' - 10/07/2019
BNEWS Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai tại Tiền Giang giúp giảm thiểu thời gian vận chuyển hồ sơ và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Hiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được ban hành tại Quyết định số 03/2014 ngày 17/3/2014 của UBND tỉnh từng bước được sử dụng ổn định, đi vào nề nếp tại các sở, ngành và địa phương.

Trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã và đang triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với một số thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai.

Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai cũng đang vận hành cơ sở dữ liệu về đất đai trên phần mềm Vilis 2.0 cho 8 đơn vị cấp huyện có cơ sở dữ liệu địa chính chính quy gồm: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, thành phố Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Gò Công Đông...

Hệ thống này đã được vận hành từ cấp huyện đến cấp tỉnh, thực hiện các “quy trình thủ tục hành chính về lĩnh vực  đất đai theo cơ chế  một cửa liên thông” trong công tác cấp giấy chứng nhận, vận hành luân chuyển hồ sơ trên file số, giúp giảm thiểu thời gian luân chuyển hồ sơ từ các Chi nhánh về Văn phòng Đăng ký đất đai và tiết kiệm được đáng kể chi phí vận chuyển.
Tuy vậy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cho công tác tra cứu, báo cáo thống kê, phục vụ trên hệ thống mạng; cơ chế chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu đất đai còn thiếu, không phát huy tác dụng.

Hơn nữa, việc giám sát, kiểm tra, đánh giá vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa hoàn chỉnh, hồ sơ, dữ liệu gốc trước đây chưa được chỉnh lý cập nhật…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, riêng đối với 3 huyện: Tân Phước, Châu Thành và Tân Phú Đông đã thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trên phần mềm một cửa điện tử (do 3 huyện chưa có cơ sở dữ liệu địa chính chính quy), cán bộ tiếp nhận tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện chuyển trạng thái hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử (thực hiện chuyển hồ sơ giấy từ Chi nhánh Văn phòng đến Văn phòng Đăng ký đất đai và ngược lại theo đường bưu điện).
Năm 2015, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm “Quản lý hồ sơ chuyên ngành Tài nguyên và môi trường” trên các lĩnh vực (trong đó có thanh tra, quản lý đất công, định giá đất, tái định cư...) với số tiền khoảng 218 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp tài nguyên và môi trường.
Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết: Về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ tại Sở thì tỷ lệ các phòng, đơn vị có mạng LAN (mạng máy tính nội bộ) chiếm 11/11 đơn vị; số lượng máy kết nối internet đạt 428 máy, đạt tỷ lệ 100%.

Đặc biệt, Sở đã kết nối với mạng chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; hạ tầng đảm bảo an toàn, an toàn thông tin: số đơn vị cài đặt phần mềm tường lửa chiếm 3/11 đơn vị; số phòng, đơn vị trang bị phần mềm diệt virus chiếm 11/11 đơn vị; số đơn vị trang thiết bị bảo mật chiếm 3/11 đơn vị.
Đồng thời, Sở và các đơn vị trực thuộc Sở đều có hệ thống máy chủ; hệ thống lưu trữ; hệ thống bảo mật; đường truyền ADSL và FTTH (cáp quang)… đảm bảo cho các phần mềm ứng dụng đang được triển khai của tỉnh như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (Văn phòng điện tử), phần mềm một cửa điện tử, Cổng thông tin điện tử…

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nên việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể với hộ gia đình, cá nhân, tổng số thửa còn tồn đọng phải thực hiện là 7,803 thửa, diện tích 661, 77 ha; số lượng Giấy chứng nhận đã cấp là 500 giấy; diện tích 40,0 ha.

Lũy tiến đến nay, diện tích đất cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 189.743,0 ha, chiếm tỉ lệ 97,69 %. Với đất tổ chức, tổng số thửa còn tồn động phải thực hiện kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đến nay là 1,219 thửa.

Lũy tiến đến nay, diện tích đất cấp cho tổ chức là 10,349,0 ha/14,648,0 ha, chiếm 70,65%.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định 23/206 ngày 12/5/2016 Ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Kiểm tra, bổ sung các thủ tục hành chính về tài nguyên môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; tổ chức, triển khai các phần mềm quản lý chuyên ngành của Sở.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Giải quyết đúng hạn các thủ tục hành chính, các đơn thư, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tăng cường kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực của ngành và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các cấp, các ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục