Tiếp sức để xuất khẩu cán đích

19:01' - 02/10/2019
BNEWS Quý cuối cùng còn lại của năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Quý cuối cùng còn lại của năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần thêm nhiều giải pháp để xuất khẩu cán đích 263 tỷ USD như mục tiêu đề ra. 

*Duy trì đà xuất siêu

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong 9 tháng  đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 20,6% và 15,8%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.

Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%), qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đặc biệt, cũng trong thời gian này đã có 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về lĩnh vực xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện vẫn duy trì vị thế số 1 với kim ngạch ước tính 5,2 tỷ USD trong tháng 9 và đạt 38,6 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại…

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Hơn nữa, việc tham gia với các FTA cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 10%; Hàn Quốc tăng 8,1%; ASEAN tăng 4,7%; Nga tăng 13,9%; New Zealand tăng 12,5% so với cùng kỳ...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường.Cụ thể, xuất khẩu sang Canada 9 tháng qua đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%.

Riêng thị trường Mỹ, vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng 28,2% so với cùng kỳ và đạt 44,86 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý, máy tính và sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất và đồng thời đây cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 38,65 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018.

Tiếp đến là các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cũng tăng mạnh 13,1%; vải các loại tăng 3,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,7%...

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, từ đầu năm đến nay, mặc dù có sự thâm hụt thương mại trong một vài tháng đầu năm nhưng tính chung 9 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu ở mức 5,9 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 25,3 tỷ USD.

Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực cũng tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 8,2% trong 9 tháng của Việt Nam có thể xem là một kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn.

*Tiếp sức cho xuất khẩu

Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) khẳng định, hoạt động xuất khẩu sẽ được tiếp sức với nhiều yếu tố thuận lợi bởi đây là giai đoạn cao điểm cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng (điện thoại, tivi,..) khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH kinh doanh chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Quốc Việt. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng khi các nhà nhập khẩu nước này đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.

Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn.

Ngược lại, với thị trường trong nước, các ngành hàng như thép, da giày, dệt may, nông sản, hàng điện tử,… sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.

Cũng theo đại diện Vụ Kế hoạch, một yếu tố thuận lợi nữa cũng đến khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ.

Theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Trong danh sách có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, CP Việt Nam, Camimex...

Với mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu sang thị trường Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.

Ngoài ra, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ.

Hơn nữa, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu trong khi các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu phải xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, địa phương ngành hàng xuất khẩu.

Mặt khác, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến tranh chấp thương mại để chủ động hơn với các vụ việc liên quan đến lĩnh vực này.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Cục Xuất nhập khẩu cần phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng rà soát, đánh giá lại các thị trường có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp điều hành cụ thể, chỉ đạo kịp thời trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát tình hình thế giới và khu vực, nhất là căng thẳng từ diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có những chính sách, biện pháp cụ thể trong quản lý hàng hóa Trung Quốc và một số nước khác tràn sang Việt Nam từ chính ngạch và tiểu ngạch nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng hoặc vì lợi ích cục bộ gây ảnh hưởng và thiệt hại quốc gia.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch để ngăn chặn việc bán phá giá vào thị trường nội địa.

Cùng đó, xây dựng phương án tổ chức sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu để tận dụng cơ hội của cuộc chiến thương mại.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tính toán kỹ lưỡng trong các giải pháp thúc đẩy đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu, tránh việc phát triển "quá đà", dễ rơi vào tình trạng bị động, dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu trở lại.

Đặc biệt, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục