Tiếp cận mới trong xúc tiến xuất khẩu

14:07' - 12/04/2019
BNEWS Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 diễn ra ngày 12/4 với chủ đề "Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu”.
Toàn cảnh Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Để giúp các doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, ngày 12/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Tại diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu” tập trung thảo luận về cách thức xúc tiến xuất khẩu mới phù hợp với xu hướng tiếp cận thị trường quốc tế hiện nay; đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại.

Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà nghiên cứu kinh tế, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, bàn về giải pháp xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả.

Qua đó, giúp các doanh nghiêp tận dụng hiệu quả các nguồn lực để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia có hiệu quả và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển xuất khẩu bền vững, nhằm  triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, trong những năm qua cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Vị thế nguồn cung sản phẩm của Việt Nam đang dần khẳng định trên thị trường khu vực và thế giới, tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài và hoạt động ngoại thương. 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh Kinh tế Á -Âu. Đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài và hoạt động ngoại thương, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng thị hiếu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng. Cùng đó, doanh nghiệp cần thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn.

Sản phẩm bùn khoáng thiên nhiên ZENNA sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Mỹ vào tháng 5 tới qua kênh Amazon. ẢNh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã trao đổi, nhận định, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Các chuyên gia cũng chia sẻ về xu hướng thị trường thế giới và các vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nhằm triển khai hiệu quả hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu hiện nay, cách thức tiếp cận thị trường với hình thức xúc tiền thương mại qua môi trường thương mại điện tử.

Các chia sẻ về tiếp cận mới trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu; trong đó khuyến khích sự chuyển biến về tư duy và hành động của doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại khai thác thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

Ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc quốc gia Văn phòng Hợp tác Thụy sỹ, Đại sứ quán Thụy sỹ đã chia sẻ về phát triển xuất khẩu bền vững – các hoạt động hỗ trợ của Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam (SECO). Ông Jonas Grunder cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về rào cản hội nhập, thủ tục hải quan, yêu cầu chất lượng, chứng nhận, thông tin thị trường, bao bì và ghi nhãn sản phẩm. Cùng đó, các doanh nghiệp chưa am hiểu sâu về luật pháp và thị trường nước ngoài với các quy tắc và quy định khác nhau…

Trao đổi tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tuy nhiên, hiện nay giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam chưa cao, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng gia công, chưa có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường quốc tế./.

>>>Chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu để xây dựng thương hiệu

>>>Amazon và Cục Xúc tiến thương mại công bố chi tiết hỗ trợ 100 doanh nghiệp Việt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục