Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu

20:21' - 04/05/2019
BNEWS Lũy kế từ giai đoạn 2016 hết tháng 4/2019, có 161 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.000 tỷ đồng.

Chiều 4/5, họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tại họp báo, đại diện các bộ, ngành đã cung cấp cho báo chí nhiều thông tin về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Về tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, 4 tháng đầu năm 2019 mới có 2 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp 295 tỷ đồng.

Lũy kế từ giai đoạn 2016 hết tháng 4/2019, có 161 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng nhận định, tiến độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp là chậm, chưa đạt tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa còn lại là 97 doanh nghiệp, chiếm 76% kế hoạch được giao.
"Về nguyên nhân của vấn đề này, có cả lý do chủ quan và khách quan. Trong nguyên nhân chủ quan có việc một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước chưa thực sự tích cực và nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân khách quan là việc cổ phần hóa còn có vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động nên bị kéo dài thời gian so với kế hoạch" - Thứ trưởng lý giải.
Về giải pháp, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế tập trung một số nhiệm vụ. Về thể chế, các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật, cụ thể là nghị định liên quan cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa. Thủ trưởng và người đứng đầu địa phương, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện các mục tiêu, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa cần rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng, để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
Hạn chế tình trạng bán chênh giá nhà ở xã hội
Về tình trạng bán nhà ở xã hội chênh giá, hoặc không đúng đối tương được báo chí phản ánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết tiêu chuẩn và quy trình nhà nhà ở xã hội đã quy định rất rõ trong pháp luật.

Theo đó, chủ đầu tư nắm rõ các chính sách ưu đãi, đối tượng đã có quy định tiêu chuẩn. Khi người mua nhà nộp hồ sơ, chủ đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo cơ quan thẩm quyền thẩm định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng thừa nhận một số dự án có khách hàng không đúng đối tượng được mua và có hiện tượng bán lại nhà ở xã hội để kinh doanh.
“Về giải pháp, chúng tôi đã giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản làm việc với địa phương yêu cầu chấn chỉnh và làm đúng quy định. Về lâu dài cần mở rộng đối tượng được mua và phạm vi quỹ được mua nhà ở xã hội” - Thứ trưởng Hùng cho biết.
Phối hợp xử lý tình trạng hàng hóa đội lốt xuất xứ Việt Nam
Liên quan đến câu hỏi về việc một số doanh nghiệp sản xuất gỗ và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất sang nước khác để trốn thuế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết các cơ quan chức năng đã có kế hoạch hiện ráo riết giải quyết tình trạng này.
Theo Thứ trưởng, thực tế một số doanh nghiệp Việt Nam phối hợp doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu một số sản phẩm, trong đó có nhôm, gỗ.
"Nếu nhập khẩu chính ngạch, đúng quy định thì được phép, nhưng nhập lậu bất hợp pháp thì hiện nay, lực lượng chức năng như Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có kế hoạch hiện ráo riết giải quyết tình trạng này" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc hàng hóa đã vào Việt Nam nhưng “đội lốt” hoặc giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba nhằm trốn thuế đã được đặt ra trước đây. Đó là hệ quả khi chúng ta ký kết các hiệp định thương mại tự do. "Trách nhiệm trong việc này là phải phối hợp của rất nhiều đơn vị. Chúng tôi đang phối hợp để giảm thiểu tình trạng này” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng cũng lưu ý, đây là việc phải kiểm soát chặt chẽ vì có thể một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc này nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng.
Cần giải pháp căn cơ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch
Về câu hỏi liên quan đến thí điểm giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch sử dụng công nghệ của Nhật Bản, tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4 vừa qua, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường đã đề xuất tài trợ Việt Nam trong xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ mới của Nhật Bản. Ông Tadashi Yamamura đề xuất sử dụng công nghệ nano đã được cấp bằng sáng chế ở Nhật Bản để giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thành cho rằng giải pháp này vẫn mới chỉ là tạm thời. Đây mới là đề xuất thử nghiệm nên cần chờ kết quả, mức độ hiệu quả, sau đó mới quyết định.
"Hiện, mọi giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mới là tạm thời, chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này", ông Thành cho biết, đồng thời nhấn mạnh, vấn đề xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch căn cốt nhất vẫn là nguồn nước thải trực tiếp ra sông./.

>>> Thành phố Hồ Chí Minh lập phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục