Tiền điện tử sẽ giúp Venezuela hội nhập về kinh tế, tài chính

10:21' - 05/01/2018
BNEWS Phó Tổng thống phụ trách kinh tế Venezuela Wilmar Castro Soteldo hy vọng đồng tiền điện tử Petro mà nước này dự kiến đưa vào sử dụng đồng Petro sẽ góp phần giải quyết những khó khăn kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế năm 2017 và dự báo năm 2018 tại Phủ Tổng thống, ông Soteldo nhấn mạnh việc đưa vào sử dụng đồng Petro, với sự đảm bảo là nguồn dầu khí dồi dào tại dải Orinoco - khu vực có trữ lượng dầu khí được kiểm chứng lớn nhất thế giới - sẽ là cuộc "phản công trong cuộc chiến kinh tế" đối với các thế lực thù địch chống lại nước này.

Theo ông Soteldo, việc dùng đồng tiền điện tử đã được bàn thảo từ nhiều tháng trước và hiện Chính phủ Venezuela đang triển khai nền tảng công nghệ cần thiết để thúc đẩy đưa vào sử dụng đồng Petro.
Trước đó, ngày 27/12, Tổng thống Nicolás Maduro đã ký sắc lệnh cho phép sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào tại dải Orinoco làm đảm bảo cho việc định giá Petro.

Trong một tuyên bố bất ngờ đưa ra hồi đầu tháng trước, ông Maduro thông báo sẽ triển khai sử dụng một đồng tiền điện tử, được định giá trên cơ sở nguồn dự trữ dầu khí dồi dào, nguồn vàng và kim cương của nước này.
Theo người đứng đầu nhà nước Venezuela, đồng Petro sẽ giúp Caracas hội nhập kinh tế, thương mại và tài chính thế giới trong thế kỷ XXI.

Tổng thống Maduro cho rằng với quyết định này, Venezuela đang nỗ lực giải quyết việc tự chủ về tài chính, tiền tệ trên thị trường quốc tế và đối phó với các chính sách bao vây, cấm vận cũng như cuộc chiến tranh kinh tế do Mỹ và các thế lực cánh hữu thù địch tiến hành chống phá nước này.
Hiện Venezuela đang thành lập một blockchain, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, tiền tệ, pháp lý, để xây dựng cơ sở và nền tảng vững chắc cho các hoạt động liên quan tới đồng Petro.

Quyết định của Tổng thống Maduro được đưa ra trong bối cảnh từ tháng Tám tới nay, chính quyền Mỹ liên tiếp áp đặt những biện pháp cấm vận Venezuela, cản trở nước này tiến hành tái cơ cấu nợ với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Venezuela cũng cần thu hút vốn trong bối cảnh đất nước khan hiếm ngoại tệ trầm trọng bởi giá dầu thế giới lao dốc, khiến nguồn thu của nước sản xuất dầu lửa này sụt giảm mạnh.

Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn của Venezuela, một thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và đem về tới 95% nguồn thu ngoại tệ cho nước này. Thiếu ngoại tệ để nhập khẩu thuốc men và nhu yếu phẩm cũng đẩy quốc gia này vào tình trạng khan hiếm hàng hóa.

>>>Venezuela không thể thanh toán 183 triệu USD tiền lãi suất định kỳ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục