Tiềm năng phát triển ngành dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế Indonesia

05:30' - 22/02/2020
BNEWS Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết với nhận định tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia năm 2019 bị giảm tốc với lĩnh vực nhập khẩu liên tục đi xuống.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN

Kim ngạch nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm 2019 giảm 20 tỷ USD, tương đương với mức giảm 20% so với sáu tháng cuối năm 2018. Riêng nhập khẩu nhiên liệu giảm 4 tỷ USD.

Do sản xuất của Indonesia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nên sự sụt giảm mạnh trong hai quý đầu năm 2019 là lời cảnh báo về những biến động trong hai quý cuối năm 2019. Tuy nhiên, Indonesia đã không thực hiện biện pháp quan trọng nào để ngăn chặn nguy cơ tăng trưởng chậm lại, bởi vào thời điểm đó tất cả sự chú ý đều được hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống.

GDP của Indonesia chỉ tăng 4,97% trong quý IV/2019, mức thấp nhất kể từ quý IV/2016, và kết quả này phản ánh sự yếu kém chung trong tăng trưởng tiêu dùng. Ngân sách chính phủ vẫn bị ảnh hưởng bởi nguồn thu thuế yếu, do đó không thể tăng chi tiêu để kích thích tăng trưởng. Chi tiêu hầu như không tăng, chỉ hơn 1% trong quý III và quý IV/2019.

Các nhà đầu tư tư nhân, trong những tháng cuối năm 2019 đã vẫn duy trì tâm lý chờ đợi và xem xét tình hình. Do đó, tăng trưởng đầu tư cố định đã giảm xuống 4% trong nửa cuối năm 2019 từ mức 5% trong nửa đầu năm.

Dù vậy, giữa những con số ảm đạm trên, có một số điểm sáng trong các lĩnh vực đóng góp cho GDP. Điều này cho thấy những thay đổi dần dần trong cấu trúc của nền kinh tế Indonesia. Sự tăng trưởng của ngành dịch vụ đã tăng lên 6,2% trong năm 2019, sau khi tăng trưởng 5,9% vào năm 2018. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2014.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ được thúc đẩy nhờ các ngành tăng trưởng cao như thông tin và truyền thông, vận tải và kho bãi, và dịch vụ tài chính đang phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, các ngành khác như nông nghiệp, khai thác và sản xuất chỉ tăng 3,3%.

Khu vực dịch vụ đang phát triển nhanh hơn với tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ trong GDP đã tăng từ 54% trong năm 2014 lên 58% vào năm 2019. Do vậy, hiện nay thành phần lớn thứ hai của GDP không còn là nông nghiệp mà là bán buôn và bán lẻ. 

Điều này cho thấy nền kinh tế Indonesia đang dần chuyển từ nền kinh tế sản xuất chủ yếu cơ bản sang nền kinh tế dịch vụ.

Khi xét đến vai trò của ngành dịch vụ trong nền kinh tế, Indonesia ngang hàng với các nền kinh tế đang phát triển khác. Ở Ấn Độ, nơi xuất khẩu công nghệ thông tin chiếm ưu thế, lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 54% GDP.

Tại Trung Quốc, khu vực dịch vụ chiếm 52% GDP và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ở Mỹ, một nền kinh tế phát triển, khu vực dịch vụ chiếm 80% GDP, trong khi ở Nhật Bản là 73% và ở Brazil là 69%.

Sự tăng trưởng của các dịch vụ là rất quan trọng để củng cố nền kinh tế nói chung. Khu vực sản xuất sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành dịch vụ bởi chất lượng dịch vụ được cải thiện sẽ giúp khu vực sản xuất thúc đẩy tăng năng suất và sự cạnh tranh cao hơn. 

Nhưng để đảm bảo sự chuyển đổi suôn sẻ sang nền kinh tế dịch vụ, có một số điều kiện phải được đáp ứng. Ngành dịch vụ là một ngành sử dụng công nghệ, nên cần có một nguồn cung cấp đầy đủ nhân lực được đào tạo và có kỹ năng để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển. Chính sách hiện tại của Chính phủ Indonesia về phát triển con người và giáo dục nên hướng tới mục tiêu đó.

Mặc dù lĩnh vực dịch vụ đang đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, đầu tư và thương mại dịch vụ đang phải đối mặt với những hạn chế từ chính sách của chính phủ, bao gồm các hạn chế về sở hữu nước ngoài và việc cấm hoàn toàn các cơ quan trong nước sử dụng một số dịch vụ nước ngoài.

Đến nay, Chính phủ Indonesia vẫn miễn cưỡng trong việc mở cửa đầu tư nước ngoài và giảm các rào cản trong thương mại dịch vụ.

Năm 2014, Indonesia đã tăng danh sách các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài liên quan đến dịch vụ. Sự miễn cưỡng mở cửa ngành dịch vụ xuất phát từ niềm tin rằng chính sách hiện tại đã giúp giảm thâm hụt tài khoản và nỗi sợ rằng các ngành dịch vụ trong nước sẽ không thể cạnh tranh trên toàn cầu.

Nhưng cũng có thể lập luận rằng nếu các doanh nghiệp Indonesia được tiếp cận với các dịch vụ chất lượng tốt hơn từ bên ngoài, họ có thể giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh, do đó làm tăng khối lượng xuất khẩu và giảm thâm hụt tài khoản vãng lai. Các ngành quan trọng cần cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh như hậu cần, vận tải hàng hải, bán lẻ, giáo dục và y tế.

Hiện vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng về kế hoạch cải cách thuế của chính phủ thông qua Omnibus (đạo luật gồm nhiều nội dung khác nhau, trong đó có việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân).

Đạo luật này vẫn đang được Chính phủ soạn thảo, được cho là nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, đơn giản hóa giấy phép và cải thiện thị trường lao động để thu hút thêm đầu tư. 

Lĩnh vực dịch vụ đang đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế của Indonesia, do đó điều quan trọng là các điều khoản trong dự luật cần tạo điều kiện, khuyến khích và nuôi dưỡng môi trường đầu tư tốt hơn cho lĩnh vực dịch vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục