Thượng viện Nhật Bản bắt đầu thảo luận về FTA với Mỹ

10:20' - 21/11/2019
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thượng viện Nhật Bản đã bắt đầu các cuộc thảo luận về Hiệp định thương mại song phương với Mỹ.

Trước đó, Hiệp định này đã được Hạ viện thông qua hôm 19/11. Liên minh cầm quyền ở Nhật Bản đang muốn Quốc hội thông qua hiệp định này trong kỳ họp hiện nay, dự kiến kết thúc vào tháng 12 tới.

Đài truyền hình NHK dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói hiệp định này là cần thiết để Nhật Bản thể hiện vai trò trong các hoạt động kinh tế sôi động ở nước ngoài trong bối cảnh dân số trong nước giảm, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.

Thủ tướng Abe nói: "Nhật Bản là nước đi đầu trong tạo dựng các khu vực thương mại tự do toàn cầu. Đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định thương mại Nhật-Mỹ. Các hiệp định này chiếm 60% kinh tế toàn cầu. Đây là cơ hội lớn của đất nước chúng ta".

Theo Hiệp định thương mại Nhật-Mỹ, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với thịt bò của Mỹ theo lộ trình xuống còn 9%, đồng thời dỡ bỏ hoặc giảm thuế đối với thịt lợn nhập khẩu của Mỹ. Một số sản phẩm khác như pho mai, rượu, bột mỳ cũng sẽ được tiếp cận với thị trường Nhật Bản một cách thuận lợi hơn.

Về phần mình, Mỹ sẽ dỡ bỏ hoặc giảm thuế đối với một số trang thiết bị cũng như sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản. Riêng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô của Nhật Bản vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Để giảm thiểu tác động của Hiệp định thương mại Nhật-Mỹ, theo Jiji Press, trong phiên họp toàn thể của Thượng viện Nhật Bản ngày 20/11, Thủ tướng Abe đã nhắc lại kế hoạch sửa đổi gói chính sách mà Chính phủ đã thông qua trước đây để giảm thiểu các tác động tiêu cực của CPTPP đối với ngành nông nghiệp nước này.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh Chính phủ đặt mục tiêu tận dụng Hiệp định thương mại Nhật-Mỹ như đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho biết Chính phủ sẵn sàng sử dụng ngân sách bổ sung để tăng cường nền tảng cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc tìm kiếm các thị trường mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục