Thương mại điện tử giúp tiêu thụ hiệu quả nông sản

09:41' - 07/09/2019
BNEWS Việc ứng dụng thương mại điện tử tại Lào Cai đang giúp tỉnh tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp.
Đặc sản gạo Séng Cù của Lào Cai. Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN

Với những ưu thế nổi bật như nhanh, tiện dụng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, thương mại điện tử đang thực sự là một xu thế kinh doanh mang lại hiệu quả tích cực với nhiều ngành hàng, trong đó có lĩnh vực nông sản – một thế mạnh của các địa phương trong tỉnh Lào Cai. 

Là đặc sản nổi tiếng, nhưng trước đây gạo Séng Cù gần như chỉ tiêu thụ trong tỉnh Lào Cai. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua tương tác, hỗ trợ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin thương mại và mạng xã hội, vài năm gần đây, gạo Séng Cù của Lào Cai đã đến tay người tiêu dùng gần xa. Số lượng nông sản bán ra tăng dần theo năm.

Chỉ tính riêng Hợp tác xã Tiên Phong, xã Mường Vi (huyện Bát Xát), bình quân mỗi năm Hợp tác xã này bán ra thị trường khoảng 300 tấn gạo Séng Cù.

Đại diện Cty TNHH MTV Đặc sản Tây Bắc Viet Nam (Tabavina), trụ sở tại thành phố Lào Cai cho biết, từ trước đến nay, ngoài biện pháp quảng cáo truyền thống, thì mới chỉ sử dụng cách quảng bá sản phẩm và thương hiệu qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo.

Tuy nhiên, việc này cho hiệu quả chưa cao và không bền vững. Được sự hỗ trợ của Sở Công thương Lào Cai, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đến nay công ty đã xây dựng được một website hiện đại.

Cán bộ công ty được tập huấn nâng cao nhận thức và thương mại điện tử và kỹ năng khai thác hiệu quả website phục vụ công việc kinh doanh quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Tuy vậy, tại "Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai", ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh đánh giá, sự phát triển của thương mại điện tử trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong số đó, có chênh lệch về điều kiện, khả năng sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin để truy nhập các nguồn thông tin, tri thức...giữa các địa phương còn cao.

Dịch vụ giao nhận hàng còn hạn chế cùng với đó là sự phát triển không ngừng của hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Các hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội của thương nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam chưa thuộc đối tượng thực hiện của các quy định.

Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý đối với các hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai sau hơn một năm hoàn thiện và nâng cấp vẫn còn tồn tại hạn chế như: giao diện chưa bắt mắt, chưa thể hiện được sự phong phú về sản phẩm hàng hóa; chưa có phương thức kết nối, quảng bá, giới thiệu, tương tác tận dụng lợi thế kết nối từ các công cụ mạng xã hội, zalo, google...; chưa tích hợp được các phương thức thanh toán khác nhau (mới chủ yêu dựa vào hình thức giao hàng trả tiền COD); chưa có giao diện ngôn ngữ phổ biến (tiếng Anh, tiếng Trung) đã làm giảm tính năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm với các thị trường tiềm năng.

Có thể thấy, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu.

Tại hội nghị triển khai phần mềm "Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai", ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chủ tịch Hội Nông sản an toàn Lào Cai tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, sự bứt phá về tiêu thụ nông sản tại Lào Cai trong thời gian qua chủ yếu nhờ vào nỗ lực, quyết tâm và cách ứng dụng công nghệ hỗ trợ giúp xây dựng hồ sơ sản phẩm như xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm...

Cùng với giải pháp kết nối chương trình "mỗi xã một sản phẩm" với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ngành nông nghiệp Lào Cai hiện đang tích cực hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp thiết kế, ứng dụng bao bì, tem nhãn đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả.

Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành chức năng đã thực hiện hướng dẫn 8 doanh nghiệp, hợp tác xã với 24 dòng sản phẩm tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử.

Lũy kế đến nay, Lào Cai đã có 55 doanh nghiệp, hợp tác xã với 237 dòng sản phẩm an toàn được cấp mã truy xuất. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngoài ý nghĩa cải thiện chỉ số thương mại điện tử tại Lào Cai, để thúc đẩy khai thác thương mại điện tử, góp phần tích cực kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng thì cùng với sự hỗ trợ có trách nhiệm của các ngành chức năng, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang chủ động đầu tư, vận hành các website thành công.

Ông Vương Tiến Sỹ cho biết, Hội nông sản an toàn Lào Cai đang chuẩn bị cho ra mắt sàn thương mại điện tử để các doanh nghiệp có thể tham gia bán hàng trên trang chung của hội cũng như bán trực tiếp thông qua website của mỗi hội viên.

Theo đó, tập trung vào các đầu việc như duy trì quản trị mạng, chú trọng hơn đến phương thức quảng bá sản phẩm, tự tạo cơ hội tiếp cận khách hàng; cung cấp ngay những thông tin khách hàng cần, rõ ràng và đầy đủ thông qua các tính năng thông minh có sẵn trên các website...

"Đây sẽ là một kênh quan trọng để quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Lào Cai trong thời đại công nghệ 4.0, hạn chế thiệt thòi cho nông sản vùng sâu vùng xa địa phương", ông Vương Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, và triển khai thành công các phần mềm thuộc "Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai", trong thời gian tới các nông hộ địa phương có thể tiếp cận những thông tin quan trọng liên quan tới thị trường, sản phẩm, các quy định pháp lý, tài chính, thiết lập và duy trì các mối quan hệ với khách hàng và đối tác.

Từ đó, giúp cho tiến trình kinh doanh hiệu quả hơn, cải thiện công tác tổ chức và quản lý.... Đồng thời, mở ra hướng đi mới cho nông sản Lào Cai, tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng với người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục