Thực trạng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam

17:04' - 22/08/2017
BNEWS Chuyển giao công nghệ tại Việt Nam còn “hẹp”, chưa đa dạng, chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam cũng ở mức “khiêm tốn”, chủ yếu là sự chuyển giao của công nghệ của công ty mẹ ở nước ngoài...
Dây chuyền hàn bằng robot tự động ở nhà máy Hyundai Ninh Bình của Công ty Hyundai Thành Công được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Trong xu thế hội nhập, vai trò và ảnh hưởng mạnh mẽ của khoa học công nghệ tác động mạnh mẽ đến tập quán sản xuất của mỗi quốc gia và các doanh nghiệp buộc phải cập nhật và thay đổi công nghệ cho phù hợp để tồn tại và phát triển.

Việt Nam cũng không “ngoại lệ” nhưng quá trình đổi mới và chuyển giao công nghệ tại nước ta đang diễn ra “chậm”, mặc dù Luật Chuyển giao công nghệ Việt Nam được ban hành từ năm 2006.

Sau 10 năm Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua chiều 19/6 vừa qua cùng với các luật, Nghị định như: Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật chuyên ngành, Nghị định 133/2008/NĐ-CP, Nghị định 103/2011/NĐ-CP, Nghị định 120/2014/NĐ-CP… là hành lang pháp lý tương đối “hoàn chỉnh”, kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.

Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu chùm 3 bài viết về các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ.
Bài 1 – Thực trạng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam
Trong điều kiện Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, ảnh hưởng của khoa học và công nghệ trong phát triển có vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, toàn cầu hóa cũng đang tác động mạnh mẽ đến sản xuất, chất lượng sản phẩm của mỗi quốc gia nên buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, cải tiến, thúc đẩy chuyển giao công nghệ để tồn tại và phát triển.

Nhưng thực trạng chuyển giao công nghệ ở Việt Nam đang “chậm” và “èo uột”
* Chuyển biến “chậm”
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2006-2016, kết quả điều tra thực trạng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã diễn ra nhưng vẫn còn ở mức “chậm”, chưa được như kỳ vọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước.

Hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn, điều này thể hiện ở tỉ lệ "hạn chế" các kết quả nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, số lượng và giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ còn ít, chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Do vậy, hoạt động chuyển giao công nghệ chưa mang lại hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Michael Braun, Chuyên gia khoa học và đổi mới công nghệ Đức hiện công tác tại Việt Nam, người từng có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn chuyển giao công nghệ cho Đức và Châu Âu cho rằng, các dòng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam còn “hẹp”, chưa đa dạng, chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam cũng ở mức “khiêm tốn”, chủ yếu là sự chuyển giao của công nghệ giữa công ty mẹ ở nước ngoài và các chi nhánh tại Việt Nam thông qua các dự án FDI.

Các doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng đến trình độ, nguồn công nghệ cũng như cơ hội kinh doanh tại nước ngoài nên hoạt động chuyển giao công nghệ “èo uột”.

Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam về đổi mới, nghiên cứu và triển khai (R&D) ở mức thấp, khi chỉ khoảng hơn 5% doanh nghiệp có cơ sở R&D riêng, gần 7% doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ, nhiều doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ nhưng không có cơ sở R&D.

Điều này cho thấy gần 80% các doanh nghiệp Việt Nam không có R&D hoặc không có các chiến lược tiếp cận công nghệ nên hoạt động chuyển giao công nghệ của Việt Nam diễn ra “chậm”.
Cũng theo ông Michael Braun, công nghệ là động lực phát triển, Việt Nam là nước đi sau nhiều nước trong hoạt động chuyển giao công nghệ vì vậy cần có chiến lược để bắt nhịp với công nghệ trên thế giới, tránh bị tụt hậu về công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: Những năm gần đây, hoạt động chuyển giao công nghệ đã có bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo kết quả điều tra thực tế, nhiều doanh nghiệp đã “ý thức” hoạt động chuyển giao công nghệ và nhu cầu chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp đã tăng nhưng nguồn đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm còn “hạn hẹp” nên khó khăn trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Đáng chú ý, những năm gần đây, thông qua hội chợ công nghệ, kết nối cung – cầu, hoạt động chuyển giao công nghệ có sự “khởi sắc”.
* Thúc đẩy dịch vụ chuyển giao công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Dịch vụ chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ quá trình tìm kiếm, giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ với cách loại hình như: Môi giới chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá công nghệ, định giá công nghệ, giám định công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ.
Hiện nay, các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ gồm các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị ngoài nhà nước có chức năng chủ yếu là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Dây chuyền sản xuất xe ô tô ở nhà máy Hyundai Thành Công được trang bị hệ thống Robot hàn tự động được chuyển giao từ Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc. Toàn bộ công đoạn hàn sẽ được lập trình trực tiếp từ trước mang lại độ chính xác tuyệt đối cho từng điểm hàn. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Theo số liệu thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ năm 2016, các tổ chức dịch vụ chuyển giao khoa học và công nghệ chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, còn các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có “rất ít” các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ.

Giai đoạn 2003-2016, các đơn vị trung gian chuyển giao công nghệ có thể cung ứng nhiều dịch vụ cùng lúc cho khách hàng, doanh nghiệp như: Tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá và định giá công nghệ.

Trong đó, dịch vụ chuyển giao công nghệ do các đơn vị trung gian cung cấp thì môi giới chuyển giao công nghệ chiếm tới gần 80%, dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ hơn 70%; dịch vụ xúc tiến chuyển giao công nghệ hơn 60%, còn các dịch vụ giám định, định giá công nghệ ở mức khiêm tốn chưa đến 30%.
Cũng theo ông Tạ Việt Dũng, thực tế, nhu cầu chuyển giao công nghệ và nhận thức ngày càng cao của bên chuyển giao và bên nhận công nghệ nên thị trường đối với các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ cũng ngày càng phát triển và rõ nét.

Bên chuyển giao công nghệ và bên nhận công nghệ đều cho thấy sự cần thiết và sự hỗ trợ của tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ.

Các tổ chức thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ chính là cầu nối để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế./.
Xem thêm:

>>>Chuyển giao công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản sản phẩm nho, táo Ninh Thuận

>>>Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) giải quyết những phát sinh từ thực tiễn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục