Thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo - Bài 1: Tín hiệu khởi sắc

08:29' - 14/03/2019
BNEWS Sau chỉ đạo của Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu nhích lên, tuy không nhiều.
Thương lái thu mua lúa ở Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thu mua lúa tạm trữ đã thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn rất cần giải pháp căn cơ, bền vững, hơn đó là có sự liên kết sản xuất và thị trường đầu ra ổn định.

Bài 1: Tín hiệu khởi sắc

Ngày 4/3/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 1289/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh ngành hàng này đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã cam kết cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp với lãi suất 6% cho kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng.

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng sẽ cân đối nguồn vốn, đẩy nhanh tín dụng giải ngân cho doanh nghiệp. Vốn sẽ không thiếu cho doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải có phương án kinh doanh khả thi và khả năng trả.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cam kết cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ vụ Đông Xuân 2018-2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long với lãi suất 6% cho kỳ hạn ngắn, từ 3 đến 6 tháng, thấp hơn lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng cung cấp đủ vốn với lãi suất ưu đãi, VietinBank cũng cam kết xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân...

Bà Trần Thanh Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín (Sóc Trăng) cho biết, ngân hàng cũng đã tiếp cận và doanh nghiệp đang xúc tiến để trình dự án vay vốn mua tạm trữ lúa gạo cho dân.

Hiện mỗi ngày, doanh nghiệp tiêu thụ từ 2.000-3.000 tấn lúa cho dân, chủ yếu là lúa ST. Ngoài đẩy mạnh thu mua lúa cho dân, doanh nghiệp cũng đã tạm trữ được khoảng 40.000 tấn lúa. Giá lúa thời điểm sau Tết Nguyên đán có giảm từ 200-300 đồng/kg so với trước Tết và trong những ngày đầu tháng 3 đã tăng trở lại đạt gần ngang bằng với mức giá trước Tết.

Cũng theo bà Nga, trong 2 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã thu mua trong dân được 80.000 tấn lúa, xuất khẩu được 45.000 tấn gạo.

“Nếu được hỗ trợ vốn vay tạm trữ từ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu mua tạm trữ lúa để đẩy mạnh xuất khẩu trong những ngày tới, góp phần bình ổn giá lúa cho nhà nông Sóc Trăng. Đó cũng là mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo, hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp là xuất khẩu vượt 200.000 tấn gạo trong năm 2019.”, bà Nga nói.

Giá lúa ở Sóc Trăng tăng dần là do tỉnh đã khẩn trương tìm nguồn vốn vay cung ứng cho doanh nghiệp tăng thu mua lúa gạo tạm trữ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Sóc Trăng, địa phương đã làm việc với ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp vay mua lúa gạo xuất khẩu và các ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay trên 500 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.500 tỷ đồng cho vay mua lúa gạo trong cả vụ.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho biết, qua rà soát, lãi suất cho vay thu mua lúa gạo hiện nay được các ngân hàng thương mại trên địa bàn áp dụng theo mức lãi suất cho vay thương mại thuộc lĩnh vực ưu tiên nhưng không quá 6%/năm. Đây được xem là mức lãi suất thấp hơn chi phí vốn do các ngân hàng thương mại huy động từ dân cư.

Tại 6 ngân hàng thương mại có tỷ lệ cho vay thu mua lúa gạo cao trên địa bàn Cần Thơ cho thấy, mức giải ngân của ngân hàng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo trong tháng 2 là 3.392 tỷ đồng, tăng hơn 240 tỷ đồng so với tháng 1/2019.

Trong số ngân hàng trên, có 4 ngân hàng cho biết, doanh nghiệp thu mua lúa gạo vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng do ngân hàng cấp. Tổng hạn mức tín dụng còn lại là 745,6 tỷ đồng. Do đó, đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo ở Cần Thơ, nếu có hợp đồng thu mua, có đầu ra, có khả năng tiêu thụ, chứng minh được với ngân hàng là phương án mua lúa gạo dự trữ có hiệu quả thì có thể được giải ngân nhanh chóng.

Ông Hà cho biết thêm, tuy sản lượng lúa gạo tại Cần Thơ không còn nhiều, song nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ còn thu mua lúa gạo ở các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng… Do đó, hạn mức tín dụng còn lại sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động kế hoạch thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.

Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại và sức mua vào của doanh nghiệp khá mạnh.

Cụ thể, đối với lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nếu như cách đây khoảng 10 ngày được thương lái thu mua tại ruộng chỉ 4.300-4.400 đồng/kg thì hiện đã tăng lên mức 4.600-4.700 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 cũng tăng lên mức 4.700-4.800 đồng/kg so với mức giá cũ chỉ 4.500-4.600 đồng/kg.

Thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Đối với gạo nguyên liệu của giống IR 50404, tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hiện có giá từ 6.700-6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng 10 ngày. Gạo nguyên liệu của giống Đài Thơm 8 cũng tăng 200 đồng/kg, lên mức giá từ 7.200-7.400 đồng/kg.

Nếu như các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo trong nước đã bắt đầu phát huy hiệu quả thì ở thị trường xuất khẩu cũng có những tín hiệu khởi sắc. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tin tức về nhu cầu nhập khẩu gạo của Cuba, Philippines, Trung Quốc và Iraq cho thấy, Việt Nam là nguồn cung gạo lợi thế nhất với những thỏa thuận đã được ghi nhận.

Thông tin từ VFA cho hay, tuần đầu của tháng 3 ghi nhận nhu cầu nhập khẩu gạo đang trở lại trên thị trường, với thỏa thuận giữa Việt Nam - Iraq, Malaysia và Cuba (đang đàm phán) cũng như một số nhu cầu mới từ Trung Quốc với hạn ngạch nhập khẩu 5 triệu tấn gạo sẽ sớm được xác nhận (con số này hàng năm vào khoảng 5,32 triệu tấn).

Bên cạnh đó, với 120.000 tấn gạo Việt Nam vừa xuất cho Iraq thì tín hiệu này cho thấy, Iraq sẽ nhập khẩu trở lại trong năm 2019. Năm 2018, Iraq đã nhập khẩu 300.000 tấn gạo thơm. Dự báo trong năm 2019, nước này cũng sẽ nhập một lượng tương đương năm 2018 và Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ giá cạnh tranh. Ở thị trường Malaysia, Công ty Nhập khẩu lương thực quốc gia Malaysia – Bernas cũng nhập khẩu 25.000 tấn gạo trắng 5% tấm của Việt Nam thông qua Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, giá lúa Đông Xuân giảm ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một khó khăn nhưng không phải bất thường và giá lúa của Việt Nam đã có tín hiệu tăng trở lại theo mặt bằng của thị trường trong nước và thế giới. Khó khăn hiện tại trong thời điểm thu hoạch rộ này là hợp đồng đầu ra của các doanh nghiệp chưa nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực ở thời điểm này đều thiếu vốn dự trữ lưu thông so với bình thường.

Với việc giá lúa nhích lên ở thị trường trong nước và xuất khẩu cũng bắt đầu khởi động lại, những nông dân thu hoạch lúa thời điểm này cho tới khi kết thúc vụ Đông Xuân chắc chắn sẽ có lợi nhuận cao hơn hơn so với những nông hộ thu hoạch trước đó./.

Bài 2: Giải quyết lực cản cố hữu

>>> Ngân hàng dành gần 100.000 tỷ đồng cho thu mua tạm trữ lúa gạo Đông Xuân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục