Thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào

10:53' - 23/02/2019
BNEWS Năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam- Lào đạt trên 1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.
Giao thông là một trong các lĩnh vực được Việt Nam và Lào tăng cường kết nối. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành của cả hai nước. Thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng phát triển và chuyến thăm Lào từ ngày 24-25/2 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ là nền tảng giúp khai thác hiệu quả thế mạnh tiềm năng của hai nước trong giai đoạn mới.

Theo Bộ Công Thương, trong hai năm qua, từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ hai nước và việc sử dụng có hiệu lực, hiệu quả các nguồn lực phát triển, các công cụ quản lý hoạt động thương mại biên giới đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Theo đó, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 đã đạt 892,9 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 524,5 triệu USD, nhập khẩu hàng hóa từ Lào đạt 368,4 triệu USD.

Năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam- Lào đạt trên 1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Lào.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ phó Vụ châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển, hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại Biên giới (năm 2015) cùng nhiều thỏa thuận hợp tác chung và hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể.

Đó là các lĩnh vực như: đầu tư, giao thông vận tải, quốc phòng an ninh, nông nghiệp... tạo cơ sở pháp lý và tiền đề thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai nước ngày càng phát triển.

Bộ Công Thương hai nước cũng đã thống nhất và triển khai nhiều nội dung hợp tác quan trọng về thương mại như phối hợp xây dựng Đề án Phát triển thương mại Việt Nam – Lào giai đoạn 2017-2026, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, hai bên ký kết và triển khai Bản ghi nhớ thành lập "Trang tin điện tử kinh tế, thương mại Việt Nam-Lào".

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020; phê duyệt đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035".

“Đây là những văn bản quan trọng góp phần thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước nói riêng ngày càng phát triển”, ông Đỗ Quốc Hưng nói.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước thời gian qua tuy có bước phát triển, nhưng chưa thực sự ổn định và bền vững. Hai bên vẫn chưa khai thác hết được lợi thế, chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước chưa đạt như kỳ vọng, kim ngạch một số mặt hàng chính bị sụt giảm. Hoạt động tại một số khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu biên giới chưa hiệu quả, chưa sôi động.

Theo ông Đỗ Quốc Hưng, vẫn còn một số khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang Lào. Cụ thể là, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Lào chịu sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa từ Trung Quốc và Thái Lan.

Đặc biệt, hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm trên dưới 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của Lào. Cơ sở hạ tầng thương mại ở cửa khẩu biên giới, hệ thống giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, dịch vụ thanh toán giao nhận, vận chuyển... giữa Việt Nam và Lào còn hạn chế, cần phải cải thiện hơn nữa.

Để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ông Đỗ Quốc Hưng cho biết, tiềm năng phát triển còn rất lớn, do vậy không chỉ cần những nỗ lực của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương mà còn sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Hơn nữa, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, mối quan hệ trong lĩnh vực công thương là hết sức quan trọng và cần phát huy. Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển, hai nước cũng đẩy mạnh thực hiện các cam kết, hiệp định thương mại đã ký kết, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại…

Theo Bộ Công Thương, hai nước Việt Nam và Lào đã đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại năm 2019 tăng ít nhất 10%; tăng cường kết nối, hỗ trợ hai nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, năng lượng.

Hai nước cũng hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; các bộ, ngành, địa phương, người dân hai nước cùng mở rộng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau./.

>> Không ngừng vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục