Thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hội nhập

13:45' - 26/10/2019
BNEWS Ngày 26/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương chia sẻ, sản lượng nông sản hàng năm của tỉnh khá lớn, đa dạng chủng loại, chất lượng ngày càng cao.

Những năm gần đây, tỉnh đã và đang hình thành nhiều khu vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, Hải Dương đã liên kết, hợp tác, trao đổi, kết nối tiêu thụ nông sản.

Theo thống kê, Hải Dương hiện có 12.000 ha gieo trồng lúa, cho sản lượng 700.000 tấn/năm. Diện tích rau các loại đạt trên 31.000 ha, sản lượng đạt 720.000 tấn/năm; trong đó, có nhiều vùng tập trung như: hành, tỏi (huyện Kinh Môn) với diện tích 5.800 ha, sản lượng 77.000 tấn; cà rốt (huyện Cẩm Giàng) 1.500 ha cho sản lượng 52.000 tấn/năm; bắp cải, súp lơ (các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện) có diện tích 4.900 ha, sản lượng 160.000 tấn/năm...

Bên cạnh đó, diện tích cây ăn quả các loại ở Hải Dương cơ bản ổn định với 21.000 ha; trong đó đã hình thành các vùng cây ăn quả đặc sản như: vải, ổi, na, bưởi đào…

Toàn tỉnh có 15 khu chăn nuôi hàng hóa quy mô từ 3 ha trở lên với 732 trang trại; trong đó có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Sản lượng thịt hơi các loại đạt 140.000 tấn/năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Hải Dương hiện đạt trên 11.000 ha, sản lượng khoảng 74.000 tấn/năm.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Anh Cương, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn tình trạng được mùa rớt giá. Nguyên nhân chính do sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu chưa thực sự hiệu quả.

Tỉnh hiện có khoảng 7.000 cơ sở chế biến
lương thực, thực phẩm và 1.000 cơ sở chế biến rau, củ, quả nhưng số cơ sở quy mô doanh nghiệp chưa nhiều.

Trước tiềm năng, lợi thế của địa phương về nông nghiệp, ông Trần Văn Quân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạo điều kiện, hỗ trợ để địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản về đầu tư xây dựng; đưa Hải Dương trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng về bảo quản, chế biến nông sản.

Đánh giá về lĩnh vực công nghiệp chế biến, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, những năm qua, khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung và Hải Dương nói riêng đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản.

Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư đổi mới công nghệ như Doveco, Meat Deli, Dabaco… đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản vẫn còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp chế biến còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Phần lớn doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; công nghệ ở mức độ trung bình khá.

Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn lớn, từ 10 – 20% tùy ngành hàng. Trình độ quản lý và trình độ tay nghề của người lao động lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ước tính, còn khoảng 95% sản phẩm rau, củ, quả của tỉnh vẫn chưa qua chế biến.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam chia sẻ, Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ và đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với Hải Dương.

Với những thế mạnh hiện có, đặc biệt là vị trí địa lý nằm giữa tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương có đủ điều kiện để xây dựng trung tâm chế biến sâu về nông nghiệp.

Do đó, Hải Dương cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến và bảo quản để có thể trở thành trung tâm kết nối và chế biến sâu của Đồng bằng sông Hồng; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nông sản trong nước và thế giới.

Tỉnh cần đầu tư các cơ sở bảo quản, thu mua đóng gói tại các vùng sản xuất để giảm tổn thất sau thu hoạch; áp dụng công nghệ hiện đại vào chế biến; chủ động phối hợp với các tỉnh trong vùng để xây dựng vùng hàng hóa lớn và kết nối tiêu thụ với các thành phố lớn; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tích tụ đất đai để mở rộng sản xuất; phát triển nông nghiệp hữu cơ..., Thứ trưởng Trần Thành Nam gợi mở.

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện một số tập đoàn lớn của quốc tế có trụ sở tại Việt Nam đã giới thiệu công nghệ chế biến, bảo quản nông sản tiên tiến đang áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Đại diện một số địa phương cũng chia sẻ về hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Các nhà khoa học đưa ra những khuyến nghị về giải pháp, chính sách để Hải Dương thay đổi căn bản trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản và thu hút doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào đầu tư trong tỉnh.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh với các hợp tác xã, nhà cung cấp, đơn vị sản xuất trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục