Thừa Thiên - Huế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

11:50' - 11/08/2019
BNEWS Thừa Thiên - Huế đang tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ứng dụng công nghệ cao.

Thừa Thiên - Huế có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 412.000 ha (chiếm 82% diện tích tự nhiên); trong đó, có gần 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (gieo cấy lúa và hoa màu); còn lại là diện tích rừng.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 170.000 người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, khắc phục tình trạng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và thị trường khiến thu nhập và đời sống của nông dân còn bấp bênh.
Theo đó, tỉnh tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp môt cách bền vững; tập trung vào tái cơ cấu các lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, công nghiệp chế biến, ngành nghề nông thôn và tái cơ cấu trên từng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế nội ngành: nông nghiệp 44,4%, lâm nghiệp 6,5%, thủy sản 45,3%, dịch vụ nông lâm nghiệp 3,8%; sản lượng lương thực có hạt từ 31-32 vạn tấn/năm; sản lượng thủy sản đạt 73.000 tấn/năm; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,7-2 lần so với năm 2015…
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đầu tư vào các dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất hữu cơ; liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao; liên kết đầu tư, chuyển giao công nghệ trồng, chế biến tiêu thụ cây ăn quả; dồn điền đổi thửa; phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư để chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng núi, bãi ngang ven biển, đến năm 2020 ổn định diện tích lúa nước 52.000 ha; các loại cây trồng khác như cây thanh trà đạt 1.000 ha, sắn công nghiệp từ 6.500-7.000 ha, cao su khoảng 13.500 ha, rau an toàn 600 ha, lạc 3.600 ha, ngô từ 2.000-2.500 ha.

Tỉnh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, có điều kiện đảm bảo về môi trường, sản lượng thịt hơi đạt trên 45 ngàn tấn/năm, sản lượng mật ong nuôi đạt 2.000 tấn với 5.500 đàn.
Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về "Tam nông", tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực, đời sống của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn đã được cải thiên; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2018 bình quân 4,65%/năm.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, hoàn chỉnh phục vụ phát triển sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; các hình thức tổ chức sản xuất, ngành nghề nông thôn, chế biến và tiêu thụ nông sản được chú trọng đầu tư phát triển.
Các địa phương trong tỉnh liên kết với doanh nghiệp phát triển sản xuất lúa hữu cơ. Vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019, tỉnh đã triển khai sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 128 ha.

Công ty Quế Lâm cùng Sở Công Thương đang đẩy nhanh dự án thí điểm liên kết giữa HTX với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án công nghệ cao tại khu công nghiệp Phong Thu-Phong Điền với việc đầu tư nhà máy chế biến nông sản, chế biến thức ăn và khu chăn nuôi, trồng cây ăn quả trong khu vực, mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, nông nghiệp của tỉnh tuy có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh phức tạp và diễn biến bất lợi của thị trường trong và ngoài nước.

Chất lượng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản còn thấp, hiệu quả chưa cao; đổi mới tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém và cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nông thôn đã có bước chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được cải thiện, nhưng so với mặt bằng chung thì nông thôn vẫn nghèo và phát triển chậm, thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp; tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn còn tỷ lệ cao và thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn khá cao, dễ tái nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Quy mô sản xuất tuy đã được nâng lên nhưng sản xuất quy mô nhỏ vẫn phổ biến, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Công tác xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh.

Chưa có doanh doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ khẳng định, để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương trong tỉnh phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, đảm bảo chát lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; thúc đấy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát huy nội lực để nâng cao năng xuất chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản của Thừa Thiên - Huế, khẳng định thương hiệu và quy mô sản xuất để phát triển thị phần trong nước và xuất khẩu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục