Thừa Thiên - Huế kiểm tra việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi

20:27' - 07/03/2019
BNEWS Ngày 7/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã thị sát tình hình, cũng như kiểm tra việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa bàn quan trọng và chợ đầu mối trong tỉnh.

Tại chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phong Thu, huyện Phong Điền trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 chuyến xe chở lợn ở phía Bắc đi qua chốt kiểm dịch, tất cả xe chở lợn đều được dừng kiểm tra và phun thuốc khử trùng theo quy trình.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu các lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch cần có quy trình xử lý thật chặt chẽ để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gây ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh nhà.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lực lượng thú y, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông tăng cường giám sát, xử lý nghiêm và kịp thời các phương tiện cố tình không chấp hành việc kiểm dịch.
Kiểm tra lò mổ gia súc tại chợ đầu mối Phú Hậu (thành phố Huế)- một trong những điểm giết mổ gia súc lớn nhất, thực hiện giết mổ khoảng 800 con lợn/ngày để cung ứng cho người tiêu dùng - Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị đội ngũ cán bộ thú y cần thường xuyên kiểm tra, giám sát,thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ, đảm bảo gia súc đưa vào cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ và ghi chép đầy đủ thông tin gia súc trước khi đưa vào cơ sở; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa phát hiện dịch bệnh nhưng không vì thế mà việc phòng chống dịch không được chủ quan, lơ là. Các ngành chức năng cần tăng cường quản lý kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ...

Thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dấu hiệu nhận biết lợn nghi mắc bệnh; người chăn nuôi chỉ mua lợn giống từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng sản phẩm từ lợn đã được kiểm soát của thú y.
Trước đó, để chủ động phòng lây lan dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các thủ trưởng các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; lấy mẫu gửi xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.

Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hoặc hóa chất; vệ sinh và khử trùng phương tiện vận chuyển, con người ra vào cơ sở chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi và vệ sinh phòng dịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên về phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ cao, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới; tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các địa phương tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (huyện A Lưới); không cho nhập lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa phương.../.
Xem thêm:

>>Các tỉnh, thành cấp bách ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

>>Hà Nội diễn tập phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục