Thừa Thiên Huế chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

10:36' - 13/07/2019
BNEWS Thừa Thiên - Huế đang bố trí các trạm bờ thông tin quản lý, giám sát tàu cá và tái cơ cấu lực lượng kiểm ngư phục vụ công tác phòng, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp.
Giám sát tàu cá tại Thừa Thiên Huế. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung sắp xếp, bố trí các trạm bờ thông tin quản lý, giám sát tàu cá và tái cơ cấu lực lượng kiểm ngư phục vụ công tác phòng, chống khai thác IUU (các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định) theo Luật Thủy sản mới và thực hiện nghiêm Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo IUU của Ủy ban Châu Âu.
Theo đó, tỉnh tiến hành kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá Thuận An (nơi tập trung chủ yếu các tàu ra vào đánh bắt trên địa bàn) việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và công tác vệ sinh môi trường, nhất là các tàu cá cập cảng và rời cảng, bảo đảm số lượng tàu được kiểm tra đáp ứng yêu cầu và các quy định hiện hành.
Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện đồng bộ việc cấp phép khai thác thủy sản tàu cá xa bờ theo hạn ngạch đã được phân bổ tại Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tàu nào không tuân thủ lắp máy giám sát hành trình theo quy định thì chưa cấp phép.

Đối với tàu cá khai thác hải sản vùng lộng, không cấp mới, cấp đổi sang nghề lưới kéo (giã cào). Tổ chức thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước khi chủ hàng có yêu cầu.
Kiểm tra công tác thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại cảng cá Thuận An mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao công tác triển khai kiểm soát tàu cá tại cảng và đề nghị Ban quản lý cảng cá Thuận An tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy phép khai thác; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải thủy sản với số lượng, thành phần loài thủy sản trên tàu cá; số đăng ký tàu với danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh đánh bắt và khai thác hải sản, các địa phương cần triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra thực tế tại cảng cá để hướng dẫn cho ngư dân biết được các quy định mới của Chính phủ theo Luật Thủy sản.

Đặc biệt, nhắc nhở ngư dân thực hiện đúng những quy định trước và sau khi đi biển; tuyên truyền, giáo dục người dân trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, tổ chức thu gom rác thải triệt để và có biện pháp xử lý mạnh đối với những trường hợp vi phạm.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có vùng bờ biển dài 126 km và hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000 ha mặt nước.

Trong vùng có 5 cửa biển; trong đó, có 2 cảng biển bao gồm cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An. Đây là vùng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; có tiềm năng, thế mạnh trong xây dựng kinh tế biển và đầm phá.
Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã tập trung tuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân các xã vùng ven biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền khai thác thủy sản vùng được cấp phép cho hơn 100 ngư dân làm nghề khai thác đánh bắt hải sản và lãnh đạo 7 xã ven biển của 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền.
Ngư dân trong vùng đã được tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản; về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Theo đó, mức phạt cao nhất đối với tàu trên 15 m khai thác vùng ven bờ, vùng lộng là 50 triệu đồng (bất kỳ tàu khai thác các ngành nghề khác nhau, không riêng giã cào) và phạt mức cao nhất 50 triệu đồng đối với tàu trên 15 m khai thác không đúng nghề đã đăng ký trong giấy phép.
Nhờ vậy, ngư dân đã nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản, nhất là biết được vùng biển nào tàu cá được phép hoạt động theo công suất của tàu, ngành nghề được cấp phép khai thác thủy sản, các đối tượng thủy sản bị cấm khai thác hoặc bị cấm khai thác có thời hạn tại các vùng nước..., góp phần quan trọng bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục