Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: VNPT cần nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp

13:36' - 04/08/2016
BNEWS Phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sáng 4/8, Thủ tướng đề nghị VNPT và ngành viễn thông phải tiếp tục duy trì và phấn đấu là ngành kinh tế mũi nhọn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT. Ảnh: An Đăng-TTXVN

Phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sáng 4/8, Thủ tướng đề nghị VNPT và ngành viễn thông phải tiếp tục duy trì và phấn đấu là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều và quan trọng hơn trong sự phát triển chung của đất nước.
Đánh giá kết quả tái cơ cấu của VNPT là thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tựu này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ghi nhận những kết quả khá toàn diện từ quá trình tái cơ cấu của VNPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn đã coi trọng khoa học công nghệ trong quá trình phát triển, giúp năng suất lao động tăng cao và giá trị gia tăng cũng nâng lên.

Việc tái cơ cấu được thực hiện theo đúng mô hình chuỗi giá trị hiện đại, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.

Do đó hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh tăng lên, vốn Nhà nước không những được bảo toàn mà còn phát triển.

Tập đoàn cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là việc tham gia hợp tác xây dựng thành phố thông minh ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, hạ tầng viễn thông do VNPT xây dựng và quản lý đứng vào top 10 quốc gia hiện đại của thế giới.
Góp ý về định hướng phát triển của VNPT, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn chú trọng sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hạn chế nhập khẩu; tái cơ cấu phải chú trọng đội ngũ lao động trực tiếp và lao động bán hàng để cải thiện đời sống người lao động.

Cùng với đó, cần phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, công tác xây dựng Đảng, nhất là trong tập thể lãnh đạo.
Chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục của Tập đoàn, Thủ tướng cho rằng VNPT chưa hoàn thành cơ bản, toàn diện tái cơ cấu kỹ thuật số, quá trình tái cơ cấu vẫn còn một số vấn đề, nhất là đối với khối trường học, bệnh viện trực thuộc.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu VNPT nâng cao hơn nữa năng suất lao động cùng với đó là chú trọng đảm bảo an ninh an toàn mạng; triển khai hiệu quả hơn các giải pháp đảm bảo có lãi, bảo tồn vốn Nhà nước, nhất là hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
VNPT cần phấn đấu đứng đầu trong thị trường viễn thông Việt Nam, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng và mạng lưới vệ tinh; cùng với đó là phát triển viễn thông di động, nhất là mạng Vinaphone đạt tầm quốc tế.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu VNPT tham gia tích cực vào xây dựng chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền của mạng truyền dữ liệu chuyên dùng của Đảng, Nhà nước đến cấp xã; bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh cho mạng truyền dữ liệu quan trọng này; sử dụng mạng truyền dữ liệu chuyên dùng để kết nối, liên thông văn bản điện tử, tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến, tỉnh, huyện, xã.
VNPT cũng phải tiếp tục hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành; xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư của Tập đoàn giai đoạn tới; trong đó chú trọng hoạt động công nghệ cao, đầu tư có trọng điểm, hiệu quả.

Tập đoàn cũng cần xây dựng phương án cổ phần hóa mạnh mẽ hơn để thu hút nguồn lực, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giữ vai trò chủ lực của lĩnh vực viễn thông; đổi mới mô hình của các doanh nghiệp để bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nhạy bén trong điều kiện một thị trường viễn thông cạnh tranh, hội nhập.
Theo Lãnh đạo VNPT, kết quả tái cơ cấu Tập đoàn từ năm 2014 theo Đề án đã được Chính phủ phê duyệt khá khả quan .

Tổ chức hoạt động của VNPT đã được chuyển sang mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng – Kinh doanh” với nguyên tắc “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả”; chuyên biệt hóa hoạt động kinh doanh với hoạt động kỹ thuật; hình thành hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt toàn Tập đoàn.
Đối với tái cơ cấu nhân lực, số lượng lao động lãnh đạo quản lý giảm mạnh từ 20% xuống còn dưới 10%, trong khi nhân viên kinh doanh, bán hàng tăng từ hơn 4.000 lao động lên gần 15.000 lao động.

VNPT đang sở hữu một hạ tầng viễn thông lớn nhất Việt Nam; quản lý hệ thống vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 và hệ thống mạng thông tin chuyên dùng hiệu quả, phục vụ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cơ quan Đảng, chính quyền; cung cấp các dịch vụ viễn thông công ích tới các vùng sâu, vùng xa nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Tổng doanh thu giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn đạt 562.653 tỷ đồng, đạt 100,9% kế hoạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khai trương dịch vụ di động vệ tinh Vinaphone – S. Ảnh: An Đăng-TTXVN

Tổng lợi nhuận đạt 34.091 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch. Tổng nộp ngân sách Nhà nước (không bao gồm MobiFone, VNPost, Học viện) giai đoạn 2011-2015 đạt 16.575 tỷ đồng. Riêng đối với giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu từ năm 2013-2015 tăng trưởng bình quân 17,6%/năm.
6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu đạt 61.347 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch, t ổng lợi nhuận đạt 2.196 tỷ đồng bằng 51,4 % kế hoạch, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2015.

Thuê di động phát triển mới đạt 6.438 nghìn thuê bao, tăng 47,5% so cùng kỳ năm 2015; Tổng số thuê bao Internet đạt 250 nghìn thuê bao, tăng 61,2% so cùng kỳ năm 2015.
Ngoài bàn giao quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại một số công ty, học viện, Tập đoàn cũng đã thoái vốn toàn bộ 15 danh mục.

Mức vốn đã thoái là 602 tỷ đồng trong tổng số 2.002 tỷ đồng phải thoái.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, t ái cơ cấu đã mang lại cho VNPT nhiều chuyển biến tích cực cả về cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh thu có mức tăng trưởng 47%, nộp ngân sách tăng 35%.

Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn triển khai dịch vụ 4G trong năm 2016.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai trương dịch vụ Vinaphone S do Tổng Công ty Viễn thông VNPT Vinaphone tổ chức.

Đây là loại hình dịch vụ vệ tinh đầu tiên được một nhà mạng của Việt Nam đưa vào khai thác; đáp ứng nhu cầu liên lạc trên toàn bộ không gian lãnh thổ Việt Nam gồm cả vùng biển, vùng trời, biên giới, hải đảo…Vinaphone - S có vùng phủ rộng lên đến 2/3 thế giới.

Sau khi đưa vào khai thác, dịch vụ này là một giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ hoạt động của các lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, hải cảnh, ngư dân và những người dân sinh sống tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; đặc biệt đây là loại hình thông tin liên lạc hữu hiệu trong trường hợp thiên tai, địch họa, cứu hộ, cứu nạn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục