Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cố gắng toàn diện để đạt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra

11:17' - 04/07/2019
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá so với khu vực và thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát..
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN
Sáng 4/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sau nửa chặng đường của năm 2019 và thảo luận các biện pháp để hoàn thành kế hoạch năm trong thời gian tới.

“Tôi quán triệt tại phiên họp thường kỳ này tất cả các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thảo luận để tìm giải pháp hành động, cố gắng toàn diện để đạt các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá so với khu vực và thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.... Động lực hỗ trợ tăng trưởng bao gồm cả phía cung và phía cầu; trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đạt được kết quả này là sự nỗ lực trong điều hành chỉ đạo Chính phủ; trong đó xác định rõ nhiệm vụ giải pháp từng thời điểm và huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% là rất tích cực so với tăng trưởng chung của thế giới và khu vực, nhưng chưa đạt mục tiêu kịch bản cao đã đề ra, chưa thể hiện sự bứt phá trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực. Các động lực hỗ trợ tăng trưởng chưa thực sự rõ nét, nền kinh tế còn gặp khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm, nhất là cầu thế giới giảm tác động không nhỏ đến xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh trong nước.

“Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh của một số ngành còn nhiều khó khăn, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chưa thực chất, điều kiện kinh doanh chuyên ngành còn nhiều bất cập.”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lãnh đạo địa phương thẳng thắn đề cập những bất cập. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tại cuộc họp này các tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương đề cập nhiều hơn, tập trung hơn vào các tồn tại, hạn chế, yếu kém, từ đó đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Thủ tướng cũng yêu cầu các lãnh đạo địa phương thẳng thắn đề cập các bất cập tại địa phương, đề xuất các giải pháp  cụ thể. Lãnh đạo các bộ, ngành dành thời gian lắng nghe ý kiến các địa phương nhằm giải quyết các tồn tại trên tinh thần phân cấp, quy rõ trách nhiệm.  

Cùng đó, Thủ tướng đề nghị cần huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, phấn đấu đạt kết quả tốt hơn nữa ở tất cả các lĩnh vực.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới; trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Số liệu cập nhật ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.

6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quý III là quý rất quan trọng, có tính chất quyết định, với mục tiêu tăng tốc, tốc độ tăng trưởng ít nhất phải đạt 6,91%, đồng thời duy trì mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.

Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cần chuẩn bị sẵn các điều kiện để nhanh chóng tái đàn, phục hồi, ổn định sản xuất. Phát huy tốt đà tăng trưởng của ngành thủy sản gắn với ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản nói chung, thủy sản nói riêng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường quốc tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng, nhưng không đạt tốc độ bứt phá như cùng kỳ năm 2018, do nhiều ngành chiếm tỷ trọng lớn không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Do đó, các địa phương cần tập trung phát huy dư địa động lực đối với các dự án lớn đã và mới đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh có nhiều thách thức do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xu thế bảo hộ thương mại cần tập trung các giải pháp duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN.... Tận dụng tốt những thuận lợi từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và đầu tư có hiệu lực; đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tăng trưởng kinh tế chậm, thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường..., Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, các ngành, các địa phương cần linh hoạt ứng phó và không được chủ quan.

Phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương lần này có sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), vừa được khai trương cách đây khoảng 2 tuần nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, “phi giấy tờ”. Đây là phiên họp thứ 2 của Chính phủ sử dụng e-Cabinet sau phiên họp đầu tiên ngay tại lễ khai trương hệ thống vào ngày 24/6.

Theo đó, các văn bản, tài liệu được cập nhật vào hệ thống để các thành viên Chính phủ nghiên cứu trước cũng như trong phiên họp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục