Thống nhất hệ thống điện Việt Nam – Bài 2: Những con người làm nên kỳ tích

13:59' - 14/05/2018
BNEWS Nhắc đến Đường dây 500kV, người ta có thể kể ra nhiều dấu mốc, chi tiết, con số, nhưng trước hết khó có thể quên những con người đã góp phần xây dựng nên “cơ đồ 500kV” với đủ cung bậc tình cảm.

Một trong những con người ấy là ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng.

Ngày nay, ở vào cái tuổi mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng những câu chuyện mà ông Vũ Ngọc Hải kể lại vẫn sáng rõ như ngày hôm qua. Với ông, việc xây dựng Đường dây 500kV là cái “mốc” trong suốt cuộc đời gắn bó với ngành điện.

Từ những ngày đầu trăn trở, đến lời hứa với Thủ tướng “trong vòng ba ngày phải có câu trả lời: có làm được hay không Đường dây 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam”.

Đường dây 220 kV. Ảnh: Hoàng Dũng/TTXVN

Câu trả lời sau ba ngày ấy chính là quãng thời gian 2 năm chạy đua cho sự thành công của Đường dây 500k Bắc - Nam.

Giờ đây, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng gian nan, đầy thử thách và hết sức ý nghĩa làm Đường dây 500kV ấy, Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải vẫn tâm đắc: “Đội ngũ khoa học - kỹ thuật của ta đã thể hiện đẳng cấp và bản lĩnh của mình khi vừa lo thiết kế, vừa chỉ huy thi công đường dây 500kV, sau này khi mang sang kiểm tra tại hệ thống máy tính ở các viện bên Nhật, theo tiêu chuẩn quốc tế, không sai một tí nào.

Nếu cần có một chính sách đặc biệt, theo tôi chính là một cơ chế ưu đãi người tài giống như ngày xưa ông Kiệt cho cơ chế ưu đãi Đường dây 500kV”.

Lần đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng Đường dây 500kV những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, GS.VS.TSKH Trần Đình Long là một trong những người “đi đầu” trong việc thiết kế xây dựng Đường dây 500kV Bắc - Nam.

Năm 1978 khi có dịp làm việc với Viện Thiết kế lưới điện Leningrat (Liên Xô) ông đã đưa ra ý tưởng này để thảo luận cùng chuyên gia nước bạn. Thế nhưng điều kiện kinh tế của Việt Nam chưa cho phép làm công trình lớn như vậy. Trong khi kinh phí để xây đựng Đường dây 500kV là rất.

Tuy nhiên những nghiên cứu về khả năng tải điện siêu cao áp vào  miền Nam đã bắt đầu từ khá sớm. Ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ khoa học, ông về nước giảng dạy tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và hướng dẫn đề tài khoa học “Luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho Đường dây 500kv - Bắc - Nam”.

Sau đó Bộ Năng lượng làm báo cáo khả thi về xây dựng đường dây nhưng vì tình hình chưa bức bách nên Dự án chưa được tiến hành.

Tiếp sau đó là những ngày Chính phủ đẩy nhanh xúc tiến việc xây dựng Đường dây. Giáo sư đã nhiều lần được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời lên gặp để tính toán khả thi về mặt kỹ thuật và hiệu quả của Đường dây 500kV.

Những ngày sau đó Giáo sư cùng đội ngũ giảng viên Bộ môn Hệ thống điện, trường Đại học Bách Khoa phối hợp với các Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 phối hợp với các đơn vị liên quan ngày đêm hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình lên Thủ tướng.

Từ đó cho đến khi hoàn thành đường dây, là những đêm dài thức trắng miệt mài trên trang giấy với những phép tính cùng những con số, những ngày dài liên miên vừa thiết kế vừa thi công, vừa kiểm tra...

Sau hơn gần 25 năm trôi qua, điều Giáo sư Trần Đình Long tâm đắc nhất là sau tất cả những băn khoăn trước đó về tính khả thi của Đường dây đã được giải đáp trọn vẹn.

Không những vậy, từ công trình này mà năng lực đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam được nâng lên một bước và hơn nữa là Hệ thống điện Bắc - Trung - Nam hòa cùng một mạch trong niềm vui chung của cả đất nước, của cả dân tộc”

Tham gia xây dựng đường dây không thể không nhắc đến đội quân xung kích, những con người cụ thể bằng xương bằng thịt, gắn bó với Đường dây 500kV. Để đảm bảo hoàn thành trong 2 năm công trình được chia ra 4 cung đoạn để khảo sát thiết kế và xây lắp.

Cung đoạn 1 từ Hòa Bình đến Nghệ An do Công ty Xây lắp Điện 1 đảm nhận; Cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh vào Đaklei (Kon Tum) do Công ty Xây lắp Điện 3 đảm nhận; Cung đoạn 3 từ Kon Tum vào đến Đắc Lắc do Công ty Xây lắp Điện 4 đảm nhận và Cung đoạn 4 từ Đắc Lắc vào đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận.

Vệ sinh cách điện Hotline. Ảnh: Hoàng Dũng/TTXVN

Trong 4 cung đoạn đó thì cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh vào Kon Tum dài trên 600 km là cung đoạn khó khăn phức tạp nhất; trong đó có khoảng 400 km đồi núi, rừng già cùng với nhiều khoảng vượt sông lớn…

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (nguyên phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam) nhớ lại, trong nhiều cuộc họp giao ban, nói về tiến độ Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều nhắc “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp Điện 3 xong thì toàn tuyến xong”.

Nói công trình được dựng lên từ tổng hợp sức mạnh toàn dân là đúng. Để tạo đường lên núi vận chuyển vật tư thiết bị cần phải xẻ núi, mở đường xuyên qua các khu rừng già, điều kiện thi công hết sức khó khăn, phải huy động hàng vạn lao động địa phương, lực lượng quân đội từ Quân khu 4,

Quân khu 5, Binh đoàn 15 để giải phóng rừng, mở đường tạo hành lang tuyến… Nhìn trên cả tuyến, thì mô hình sử dụng quân chính quy (cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề) kết hợp với nhân dân địa phương, bộ đội, công an, các doanh nghiệp để làm tất cả các việc liên quan đã giúp đẩy nhanh tiến độ từng giờ từng ngày và từng tháng.

Ví dụ trước đây Công ty Xây lắp Điện 3 thi công Đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới dài 200 km kéo dây vượt sông Gianh phải dùng hàng trăm chiếc thuyền kết lại để dây không nhúng nước mặn.

Thi công bằng phương pháp cuốn chiếu, mặc dù là công trình trọng điểm nhưng cũng phải mất tới 2 năm mới hoàn thành.

Nhưng ở đây, trên từng cung đoạn được chia nhỏ ra nhiều đơn vị phụ trách, có thể mỗi đơn vị phụ trách từ 5 đến 10 km trên toàn tuyến; tất cả các cung đoạn nhỏ đều xong trong thời gian 2 năm, có nghĩa là tổ chức các đơn vị xây lắp tăng lên rất nhiều trên toàn công trình.

Suốt trong 2 năm không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa rét, bão lụt tất cả dồn sức để chỉ đạo và thực hiện đúng tiến độ.

Có rất nhiều vị trí máy móc không thể đưa lên được phải huy động người dân tộc, người các địa phương gùi từng bao xi măng, từng bao cát lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng như đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức, đèo Lò Xo…

Cán bộ công nhân suốt trong 2 năm đều sống trong các lán trại, hoặc một số nơi nhờ nhà dân ở không kể muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét và kể cả hy sinh tính mạng. Lực lượng hậu cần như vận chuyển lương thực, thực phẩm cho hàng vạn người lao động trên các vùng đồi núi, sông suối vô cùng khó khăn gian khổ.

Còn đối với ông Trần Viết Ngãi - Nguyên giám đốc Công ty xây lắp điện 3, đến tận bây giờ vẫn không nghĩ rằng ngày ấy mình lại liều lĩnh đến như vậy. “Để có thể vượt qua những khó khăn ấy “chúng tôi đã vận dụng những kinh nghiệm đã từng thi công Đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới.

Tôi đã đề xuất giao toàn quyền cho thủ lĩnh các công ty, tổng giám đốc: quyền thuê người, tuyển mộ thêm người, lực lượng bên ngoài để đẩy nhanh tiến độ tất cả các khâu: đào đất, chặt cây, làm đường, đào móng.

Thực hiện phương thức khoán công việc theo thời gian, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thì có tiền”.

Đối với cung đoạn qua đèo Hải Vân, đèo Lò Xo phải đào hầm, rồi cho công nhân xuống đào móng, dựng cột góc, dùng máy tời đưa thức ăn, vật tư xuống....

Khó khăn là vậy nhưng không ai được quên lời dặn dò của Thứ trưởng Bộ Năng lượng Lê Liêm: “Số phận Đường dây 500kV gắn bó sống còn với nền kinh tế quốc dân, một sơ sẩy nhỏ cũng có thể mang tới hậu quả rất lớn, mọi người phải thật chi tiết, phải thật cẩn thận...”./.

Bài 3: Sự trưởng thành của ngành truyền tải

Xem thêm:

>>>Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 1: Quyết định lịch sử

>>>Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 2: Các văn bản hợp thành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục